Trong giáo dục, CBCCVC có phong trào thi đua 2 tốt “Dạy tốt, học tốt” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”…Các phong trào thi đua đã tạo không khí đổi mới, góp phần chấn chỉnh kỷ cương và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong 5 năm qua, ngành giáo dục có 1.778 đề tài, sáng kiến, giải pháp khoa học được xếp loại cấp ngành, trong đó 171 đề tài xếp loại xuất sắc, 620 đạt loại khá, 987 đạt yêu cầu và 43 sáng kiến, giải pháp được xếp loại cấp tỉnh. Trong lĩnh vực y tế, với 246 đề cương nghiên cứu khoa học được Hội đồng khoa học nghiệm thu, 02 đề tài khoa học cấp tỉnh, 20 sáng kiến cấp tỉnh và hàng ngàn sáng kiến cấp cơ sở, toàn ngành đã làm tốt công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân bằng ứng ụng tiến bộ khoa học vào công tác chẩn đoán, điều trị, rút ngắn thời gian điều trị, giảm chuyển tuyến giảm chi phí cho người bệnh.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nhân lao động đã đồng hành cùng chủ doanh nghiệp tham gia tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến, ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất nâng cao chất lượng và giảm chi phí giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh, ổn định việc làm, đảm bảo thu nhập, đời sống cho người lao động. Tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhiều đề tài, sáng kiến được áp dụng mang lại hiệu quả cao trong đó phải kể đến sáng tạo giải pháp “Cải tiến máy đóng gói bao trong giây chuyền sản xuất xi măng” của đồng chí Trương Xuân Mạnh, công ty TNHH Mi măng Vĩnh Sơn. Về mặt kinh tế: việc áp dụng sáng kiến giúp thiết bị hoạt động ổn định, tăng NSLĐ so với thiết bị cũ, làm lợi cho công ty 1,5 tỷ đồng. Về mặt xã hội, thiết bị được được cải tiến giảm 60 – 70% lượng bụi phát tán ra bên ngoài, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người lao động trong quá trình sản xuất. Tại Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm có các sáng kiến của đồng chí Nguyễn Vũ An cùng tập thể: Cải tạo hố chứa ngô tạo độ dốc dòng chảy của ngô, cải tiến máy chặt sắn làm giảm sức lao động thủ công, tăng năng suất lao động, làm lợi cho công ty trên 55 triệu đồng. Cùng với đó là nghiên cứu cải tiến vật tư thay thế máy sấy ngô tự động đặt sản xuất trong nước, thay thế cho việc nhập khẩu vật tư với giá cao. Nghiên cứu này giúp giảm giá thành, làm lợi cho doanh nghiệp trên 300 triệu đồng mỗi năm. Hiệu quả từ các nghiên cứu đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa quy trình sản xuất, thiết bị công nghệ kể trên là không thể phủ nhận. Đặc biệt, rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều DN đang gặp khó khăn do không ổn định sản xuất, khiến nhiều lao động mất việc làm.
Như vậy, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ về cả bề rộng và chiều sâu, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia. Các sáng kiến, đề tài của các tập thể và cá nhân thể hiện được trí tuệ, sáng tạo của người lao động và tinh thần yêu lao động, góp phần nâng cao chất lượng công việc tại các cơ quan, đơn vị.
Từ những hiệu quả thiết thực đó, trong những năm tiếp theo, các cấp công đoàn chỉ đạo việc cụ thể hóa các nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực, gắn với các phong trào thi đua chung được phát động trên toàn tỉnh. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.