DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tuyên truyền Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh

29/03/2023 15:44
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác an toàn thực phẩm, ngày 16/3/2023, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 132-KH/ĐUK tuyên truyền Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư đến các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc và cán bộ, đảng viên, người lao động; nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thực phẩm hiện nay; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Kế hoạch đã đề ra 06 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, cụ thể là:

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên theo các nội dung của Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh việc ban hành các văn bản liên quan đến Chỉ thị 17-CT/TW; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, an toàn thực phẩm vào chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác tham mưu, đôn đốc kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm do mình phụ trách. Xây dựng kế hoạch thực hiện để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phù hợp với thực tiễn của tỉnh và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.  

 Hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương

Tăng cường công tác tham mưu ban hành quy chế phối hợp quản lý an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Ban hành các tiêu chuẩn địa phương về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh nhưng không trái với quy định chung; tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh phát triển, đảm bảo công tác an ninh, an toàn thực phẩm. Xây dựng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm. Khuyến khích đầu tư hạ tầng, phát triển mô hình sản xuất, chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.

Phối hợp xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về an ninh, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và đơn giản hóa các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các thủ tục hành chính ở mức độ 3,4 và giảm thời gian tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát  và xử lý vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm

Cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tham mưu tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, đột xuất; hậu kiểm về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Công khai các tổ chức, cá nhân, cơ sở vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đẩy mạnh phong trào quần chúng để phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Thông tin rộng rãi, dễ tiếp cận số điện thoại đường dây nóng và đầu mối tiếp nhận, xử lý tố giác, phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu quả, trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan cấp cơ sở lên tuyến tỉnh. Tuyên truyền, tạo dư luận xã hội để người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm hành vi hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; Có chính sách thỏa đáng, kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác an ninh, an toàn thực phẩm và có biện pháp bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nắm bắt, phát hiện, ngăn chặn, điều tra và xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm.

Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng

Cấp ủy các cơ quan đơn vị trực thuộc Đảng bộ Khối chủ động tuyên truyền việc phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn trên địa bàn tỉnh. Đối với các cơ quan tham mưu trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tăng cường kiểm soát ngay từ đầu vào trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xây dựng, liên kết các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn để cán bộ, đảng viên, người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng. Ưu tiêu cung cấp tín dụng cho các hộ sản xuất thực phẩm an toàn, nhất là các hộ nghèo và đối tượng chính sách. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm an toàn. Có chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cung ứng thực phẩm an toàn.

Tham mưu lãnh đạo kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương.

Thống nhất kiện toàn chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại địa phương theo mô hình thống nhất toàn quốc của Chính phủ. Ban hành các văn bản phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định. Bố trí nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động cho hệ thống quản lý an ninh, an toàn thực phẩm từ tỉnh đến xã phù hợp với tình hình mới. Khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Ban hành các chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ làm công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.

Phối hợp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, hướng dẫn đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thực phẩm.

Cấp ủy các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục lãnh đạo việc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao để cán bộ, đảng viên, người dân lựa chọn sử dụng thực phẩm sạch, an toàn. Thông tin rộng rãi các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm đến cán bộ, đảng viên và người dân. Tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm./.