Sau hơn 05 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả có ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn, giúp hàng triệu lượt HSSV thuộc hộ nghèo, họ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập. Đến 31/12/2012, tổng nguồn vốn của chương trình là 36.125 tỷ đồng cho trên 3 triệu lượt HSSV vay vốn. Đến nay, đang còn 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HSSV đi học, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng theo quy định. Tổng doanh số cho vay đạt 43.362 tỷ đồng, doanh số cho vay bình quân là 7.227 tỷ đồng/năm. Tổng doanh số thu nợ đạt 7.776 tỷ đồng, dư nợ là 35.802 tỷ đồng, trong đó dư nợ quá hạn là 176 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 0,47%.
Tỉnh Hòa Bình sau 05 năm thực hiện chương trình kết quả đạt đến 30/9/2012 tổng dư nợ là 329.952 triệu đồng với 22.100 HSSV được vay vốn, tương ứng với 19.155 hộ đang còn dư nợ. Nhờ có nguồn vốn vay này, nhiều HSSV nghèo đã có tiền để học tập, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt về mặt kinh tế cho người dân nghèo, đảm bảo thực hiện công bằng xã hội trong học tập, củng cố niềm tin của nhân dân đối với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Mục tiêu giai đoạn 5 năm 2013 – 2017 dự kiến tổng nguồn vốn chương trình khoảng 45.000 tỷ đồng, tập trung huy động nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV hàng năm. Tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa chương trình, tổ chức giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách theo quy định.
Tại hội nghị, có 03 tập thể và 02 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng trao bằng khen cho 44 tập thể và 9 cá nhân; Tổng Giám đốc NHCSXH trao giấy khen cho 148 tập thể và 259 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai chương trình tín dụng đối với HSSV.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định chính sách tín dụng đối với HSSV là một chính sách đúng đắn, có ý nghĩa về mọi mặt, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, góp phần đảm bảo mục tiêu không có HSSV nào phải bỏ học vì không đảm bảo tài chính. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng định hướng Bộ Tài chính, Ngân hàng CSXH phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch để huy động, cơ cấu nguồn vốn đến năm 2017 và xác định nguyên tắc cho vay đối với từng ngành nghề để đảm bảo nhu cầu về vốn cho các đối tượng; nghiên cứu, xem xét việc gia hạn nợ đối với các đối tượng ra trường chưa có việc làm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu, đối tượng và cơ chế cho chương trình….