DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới

05/04/2021 00:00
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư khóa IX về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, kịp thời, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhiều văn bản pháp luật được ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
 Người bệnh uống thuốc tại cơ sở Methadone thành phố Hòa Bình

Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh được triển khai thường xuyên, bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn. Công tác quản lý, theo dõi các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chặt chẽ. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh ngày càng tích cực, chủ động. Đa số người dân, nhất là các đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS hiểu đúng và biết cách phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS; vấn đề kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS giảm dần; nhân dân hưởng ứng và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tính đến ngày 31/5/2020, toàn tỉnh có 93,37% số xã, phường, 100% huyện, thành phố đã phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV lũy tích là 2.271, số bệnh nhân HIV/AIDS còn sống là 1.171, số người nhiễm HIV đã tử vong là 1.054 trường hợp. Từ năm 2010 đến nay, số trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện có xu hướng giảm so với những năm 2009 trở về trước. Tỷ lệ nhiễm HIV của tỉnh được kiềm chế ở mức 0,2%(mục tiêu chung của toàn quốc là dưới 0,3%); chương trình chăm sóc điều trị đã giúp người nhiễm HIV kéo dài cuộc sống, số bệnh nhân tử vong do AIDS giảm rõ rệt. Đối tượng nhiễm HIV/AIDS vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm người nghiện chích ma túy. Người nhiễm HIV chủ yếu vẫn qua đường máu và có xu hướng tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ nam nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao và giảm dần qua các năm; tuy nhiên phụ nữ và trẻ em nhiễm HIV có xu hướng tăng. Hiện nay người tiêm chính ma túy, người bán dâm có sử dụng ma túy vẫn là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch tại địa phương.

Từ năm 2016 bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được điều trị thông qua bảo hiểm y tế. Tỷ lệ bệnh nhân có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh được điều trị thông qua BHYT. Tỷ lệ bệnh nhân có thẻ BHYT từ 45% (2016) lên 98% (năm 2020). Đến 30/4/2020 toàn tỉnh có 903 bệnh nhân đang điều trị ARV tại 5 cơ sở điều trị.

Điều quan trọng, trong thời gian qua, công tác xã hội hóa phòng, chống HIV/AIDS đã được quan tâm, thực hiện. Từ năm 2015 sau khi các dự án ngừng hỗ trợ cho chương trình điều trị Methadone, việc thu phí dịch vụ điều trị với bệnh nhân HIV/AIDS được triển khai nhằm góp phần giảm chi phí cho ngân sách nhà nước và đảm bảo tính bền vững lâu dài của chương trình. Đến 30/5/2020, toàn tỉnh có 10 cơ sở điều trị và 11 cơ sở cấp phát thuốc Methadone cho 779/800 bệnh nhân, đạt 94,3% so với chỉ tiêu được UBND tỉnh giao. Qua quá trình triển khai cho thấy mức thu giá dịch vụ điều trị methadone phù hợp với khả năng chi trả và được người bệnh đồng tình cao. Việc triển khai chương trình điều trị methadone đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho bản thân người điều trị, gia đình của người điều trị như: giảm tần xuất tiến tới ngừng sử dụng heroin trong nhóm người nghiện chích ma túy góp phần phòng chống ma túy; cải thiện về sức khỏe và giảm tình trạng lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy, góp phần giúp tình hình an ninh trật tự được cải thiện.

Nhiệm vụ thời gian tới, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện phòng, chống HIV/AIDS. Rà soát, đưa các nội dung của hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội; chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm nghèo bền vững và các tiêu chí thi đua của địa phương, cơ quan, đơn vị. Chú trọng việc lồng ghép, phối hợp công tác phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội; tăng cường việc ký kết và nâng cao hiệu quả thực hiện kế hoạch liên tịch giữa các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn về phòng, chống HIV/AIDS. Tích cực tuyên truyền, vận động sự tham gia của cộng đồng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS./.