DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Sự cần thiết của Chỉ thị 32/CT-TTg về đẩy mạnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế

11/11/2014 00:00
Ngày 31/10, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg về đẩy mạnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện điều trị thay thế theo quy định tại Nghị định số 96/2012/NĐ-CP, thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 4/10/2014 của Chính phủ.

Hiện tại cả nước mới có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai điều trị Methadone cho 21.613 người nghiện chất dạng thuốc phiện, đạt 27% so với mục tiêu điều trị cho 80.000 người vào cuối năm 2015, chiếm 12% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý… Để đẩy nhanh tiến độ điều trị thay thế trong tình hình kinh phí giảm mạnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện điều trị thay thế theo quy định tại Nghị định số 96/2012/NĐ-CP, thực hiện hiệu quả cá nội dung liên quan tại Nghị quyết số 74/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, để tập trung thực hiện việc điều trị.

            Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong những năm gần đây, tình hình buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn diễn ra với tính chất ngày càng phức tạp, nhiều vụ án ma túy lớn được phát hiện trên địa bàn. Ma túy chủ yếu vẫn là Heroin, nhưng các loại ma túy tổng hợp có dấu hiện ngày càng xuất hiện nhiều, đặc biệt tại khu vực thành phố Hòa Bình. Người sử dụng ma túy có xu hướng cùng sử dụng nhiều hơn một loại ma túy, điều này không chỉ gây tăng nguy cơ lây truyền HIV/AIDS qua tiêm chích ma túy. Quan hệ tình dục không an toàn cũng làm cho nguy cơ trở nên lớn hơn, bởi người bán dâm có sử dụng ma túy ngày càng phổ biến. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 1.576 người nghiện ma túy đang sống ngoài cộng đồng (bởi số lượng trên thực tế có thể cao hơn số liệu mà các cơ quan chức năng quản lý được), người nghiện ma túy tập trung tại các thành thị là chủ yếu. Trong trên 90% số người nghiện sử dụng ma túy bằng hình thức tiêm chích…

            Theo thống kê của Ban chỉ đạo 09 tỉnh Hòa Bình, tính đến hết tháng 12/2013, toàn tỉnh có 2.235 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó, số người sống ngoài cộng đồng là 1.576 người và mới chỉ có 659 người được quản lý trong các Cơ sở cai nghiện, Cơ sở giáo dục, Trại giam hoặc Trại tạm giam. Trong khi số lượng người nghiện ma túy ngày càng tăng. Năm 2012 có 1.698 người, năm 2013 tăng 2.235 người, 139/210 xã, phường của tỉnh có người nghiện ma túy, tăng 19 xã, phường so với năm 2012; số người nghiện trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao; từ 16 – 30 tuổi, chiếm 25,9% (280/2.235 người), trên 30 tuổi chiếm 74% (1.654/2.235 người). Hằng năm số lượng người nghiện ma túy vẫn tăng trong khi công tác quản lý người sau cai nghiện chưa đạt hiệu quả dẫn đến tỷ lệ tái nghiện còn cao. Đến hết tháng 12/2013, toàn tỉnh mới có 390 người nghiện chích ma túy đăng ký tham gia Chương trình điều trị Methadone và mới chỉ có 288 bệnh nhân được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trong 02 cơ sở điều trị tại Thành phố Hòa Bình và huyện Mai Châu (trong đó thành phố Hòa Bình mới có 253 bệnh nhân và Mai Châu 35 bệnh nhân)

Vì vậy, nội dung Chỉ thị nêu rõ đối với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương rà soát, cập nhật số lượng người nghiện chất dạng thuốc phiện thực tế tại địa phương. Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS thiết lập ngay các cơ sở điều trị Methadone. Đồng thời để đẩy mạnh việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đạt hiệu quả. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp về ý nghĩa, tầm quan trọng của điều trị thay thế, đến mọi tầng lớp nhân dân, ưu tiên nhóm đối tượng là người nghiện ma túy để tham gia chương trình điều trị.