Hoạt động của các cấp Hội tập chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực hoạt động như: Công tác xã hội, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, hỗ trợ vốn, làm các công trình nhân đạo với tổng giá trị đạt được trên 25,8 tỷ đồng; giúp đỡ được hàng chục vạn lượt đối tượng nghèo, nạn nhân chất độc Da cam, người khuyết tật, tạo điều kiện để họ vượt qua khó khăn, vươn lên hoà nhập cộng đồng ngày càng tốt hơn. Hội Chữ thập đỏ ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò nòng cốt của mình trong các hoạt động nhân đạo xã hội tại địa phương.
Ngoài công tác cứu trợ thường xuyên, đột xuất, các cấp Hội đã có các hoạt động như: dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng nâng cấp nhà ở và các công trình phúc lợi ... Các cấp Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch và phát động các phong trào: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “ Vì người khuyết tật nghèo”, phong trào “Giúp bạn nghèo vượt khó”…; triển khai thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ phát động.Tổ chức cứu trợ thường xuyên, đột xuất, thăm hỏi tặng quà cho 54.136 lượt người, trị giá 8,6 tỷ đồng; dạy nghề tạo việc làm cho 823 lượt người; 974 lượt hộ gia đình được vay vốn phát triển sản xuất; tặng 1.630 sổ tiết kiệm; vận động quyên góp hàng chục nghìn bộ quần áo, đồ dùng học tập hỗ trợ cho các em học sinh nghèo, đồng bào vùng cao, vùng sâu. Nhiều công trình nhân đạo được xây dựng phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân: Xây dựng, nâng cấp 318 nhà tình nghĩa, tình thương, nhà Chữ thập đỏ cho các hộ gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo; xây dựng 02 công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy; 55 giếng nước; 200 nhà vệ sinh; nâng cấp sửa chữa 02 nhà mẫu giáo, xây dựng 01 cầu dân sinh... trị giá 2,8 tỷ đồng. Qua 1 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã lập hồ sơ cho 724 đối tượng cần trợ giúp, đã giúp đỡ và giới thiệu cho các tổ chức, cá nhân hỗ trợ được 480 đối tượng với tổng trị giá tiền, hàng đạt trên 3,2 tỷ đồng.
Công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa ngày càng chủ động, kịp thời và hiệu quả; các cấp Hội chủ động xây dựng triển khai kế hoạch phòng ngừa thảm hoạ theo phương châm “Bốn tại chỗ” chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác phòng chống lũ bão thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân bị thiên tai gây ra, bao gồm trên 615 tấn gạo tẻ, 21 tấn muối ăn, 1.800 thùng mỳ tôm, 11 tấn thịt bò hộp, 1.500 lít dầu hỏa, 45.320 bộ quần áo, 1.850 thùng hàng gia đình, 250 kg vải Hàn Quốc, 3.080 chiếc chăn chiên, 9.675 chiếc màn, cấp 850 áo phao, xây 30 nhà chống bão,... trị giá gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra các cấp Hội đã tổ chức các đợt vận động, quyên góp ủng hộ các địa phương trong nước bị thiệt hại do thiên tai trị giá gần 3 tỷ đồng; vận động ủng hộ nhân dân Myanmar, Tứ Xuyên (Trung Quốc), Cu Ba và nhân dân các nước Đông Nam á, Nam á bị động đất, sóng thần... kết quả thu được trên 2 tỷ đồng.
Các cấp Hội thường xuyên phối hợp với ngành Y tế tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 71.432 lượt người; phát triển, củng cố, cấp trang thiết bị và cơ số thuốc cho các phòng khám Chữ thập đỏ; trang bị túi thuốc sơ cấp cứu cho 300 trường học; cấp 2.235 thẻ bảo hiểm y tế, lắp chân giả miễn phí cho 125 đối tượng, cấp xe lăn cho 472 đối tượng, cấp máy trợ thính cho 20 đối tượng khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam; phát hiện và can thiệp sớm cho 350 trẻ khuyết tật; tổ chức lực lượng tình nguyện viên chăm sóc người khuyết tật tại gia đình... trị giá 1,2 tỷ đồng.
Ngoài ra các cấp Hội cũng đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động lực lượng đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện; từ năm 2007 đến nay đã có 4.031/8.018 lượt người tham gia hiến máu với số lượng máu thu được là 4.031 đơn vị.
Sau 22 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 14 -CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VI), đã tạo được sự chuyển biến hết sức quan trọng về quan điểm, nhận thức, trách nhiệm của nhiều cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động nhân đạo trong tình hình mới. Hội Chữ thập đỏ ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò nòng cốt của mình trong các hoạt động nhân đạo xã hội tại địa phương, từng bước các cấp Hội được kiện toàn về bộ máy, chỉ tiêu biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện và trụ sở làm việc.