
Theo báo cáo của Bộ LĐ, TB&XH, tới nay đã có 60/63 tỉnh, thành phố (02 tỉnh không có đối tượng: Lai Châu và Điện Biên; Cao Bằng báo cáo tính đến thời điểm này hiện không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ) có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ. Kết quả: Số hồ sơ UBND cấp huyện đã tiếp nhận được 56.351 DN với 2.844.944 lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 1.883 tỷ đồng. Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ 29.399 DN, trên 1,9 triệu lao động với kinh phí hơn 1.233 tỷ đồng. Số hồ sơ đã được giải ngân 16.436 DN với trên 1 triệu lao động, hơn 728 tỷ đồng.
Các "điểm sáng" là TP.HCM giải ngân trên 126 tỉ đồng, Bắc Giang giải ngân 54,4 tỉ đồng, Hà Nội giải ngân 47,5 tỉ đồng... Tuy vậy, có 4 địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân là Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên. Một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng rất lớn nhưng việc giải ngân vẫn rất thấp như Kiên Giang (0,23%), Hải Phòng (0,2%). Cùng với đó, nhiều tỉnh giải ngân trên dưới 1% như Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hóa…
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Dù việc triển khai chính sách được các tỉnh thực hiện khẩn trương và nghiêm túc. Tuy nhiên, do lượng lao động đông với nhiều nhóm đối tượng, nhất là ở các tỉnh, thành có số lượng doanh nghiệp lớn, thế nên nhiều nơi tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một số địa phương còn chưa linh hoạt, còn cứng nhắc trong trình tự xét duyệt thủ tục. Một số nơi phát sinh các thủ tục không cần thiết, kéo dài việc xét duyệt hồ sơ. Điều này đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm túc trong kiểm tra từng khâu, từng vị trí, nhằm khắc phục vấn đề này.
Bộ trưởng yêu cầu: Để tiến độ chi trả hoàn thành trong tháng 8, các địa phương cần tập trung tuyên truyền để các doanh nghiệp và người lao động nộp hồ sơ đúng ngày 15/8. Những hồ sơ đã tiếp nhận, khẩn trương thẩm định phê duyệt, liền sau đó phải khẩn trương chi tiền, theo dạng cuốn chiếu, phê duyệt đến đâu chi trả đến đó. Sau hôm nay cần quán triệt về mốc thời gian nhận hồ sơ và đến ngày 30/8 phải hoàn thành chi trả”.
Bộ trưởng nêu rõ: Các địa phương đồng thời phải tổ chức các đoàn kiểm tra về việc thực hiện tiến độ, quy trình phê duyệt, thẩm định chi trả. Tới đây, những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp Bộ sẽ trực tiếp kiểm tra. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện chi trả được nhanh nhất, tiền phải đến với người lao động sớm nhất theo đúng tinh thần nhân văn của Chính phủ./.