DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Những vướng mắc trong việc giải quyết chế độ chính sách cho nạn nhân CĐDC ở tỉnh ta.

11/08/2010 00:00

Hiện nay, toàn tỉnh có 4.691 người nghi bị nhiễm CĐDC nhưng mới có 1.608 người (đạt 34%) được hưởng trợ cấp hàng tháng. Nguyên nhân của tình trạng này là trong quá trình triển khai việc giải quyết chế độ, chính sách cho nạn nhân CĐDC đã phát sinh những vướng mắc khách quan cũng như chủ quan cản trở, làm chậm quá trình lập hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp cho các nạn nhân.

Cán bộ LĐ-TB-XH xã Thanh Hối hướng dẫn, giúp đỡ nạn nhân CĐDC lập hồ sơ đề nghị được hưởng trợ cấp theo quy định

 

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nhỏ tuyềnh toàng thuộc diện hộ nghèo ở xóm Đông 1, xã Thanh Hối, cụ Bùi Văn Sinh (70 tuổi) trăn trở: “Tôi nhập ngũ tháng 2/1965, từ năm 1968 đến năm 1969 tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Lào và bị nhiễm CĐDC ở đó. Năm 1975 tôi phục viên trở về địa phương, năm 1979 vợ tôi sinh một đứa con nhưng chẳng nên người. Bắt đầu từ tháng 5/2004 tôi được hưởng trợ cấp đối với nạn nhân CĐDC đến tháng 3/2009 thì bị cắt vì không đủ giấy tờ. Năm 1968, tôi lái xe đường Trường Sơn, xe trúng bom cháy sạch hết giấy tờ, bản thân tôi thì bị thương nặng. Bây giờ, hai vợ chồng già sống trông vào 120.000 đồng tiền trợ cấp người tàn tật hàng tháng của bà nó. Tôi không thể có đủ sức khoẻ và tiền để đi xin lại giấy tờ nên đành chịu.” Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hoàn cảnh của cụ Sinh không phải là cá biệt, còn rất nhiều những nạn nhân CĐDC khác trên địa bàn huyện Tân Lạc nói riêng, tỉnh ta nói chung chưa được hưởng chế độ hỗ trợ vì không hoàn thành được hồ sơ theo qui định.
 
Trước thời điểm tháng 03/2009, huyện Tân Lạc có 162 nạn nhân CĐDC được hưởng trợ cấp. Nhưng đến tháng 03/2009 có 72 đối tượng bị cắt trợ cấp vì “Không có thời gian tham gia kháng chiến ở nơi Mỹ sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh tại Việt Nam, qui định tại Nghị định 54/2006/NĐ – CP và Thông tư số 07/2006/TT – BLĐTBXH”, hay hiểu một cách đơn giản là 72 đối tượng này không thể cung cấp được các giấy tờ chứng minh thời gian tham gia kháng chiến như: lý lịch quân nhân, quyết định phục viên… Và đây cũng là vướng mắc lớn nhất của việc lập hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp cho các nạn nhân CĐDC. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Trường phòng LĐ – TB – XH huyện Tân Lạc cho biết: “Rất nhiều nạn nhân CĐDC không còn giữ được các giấy tờ liên quan đến quá trình kháng chiến, người thì đã thất lạc ngay trong chiến tranh, người thì mất do cháy nhà, mưa bão…. Không có các giấy tờ theo qui định thì chúng tôi không thể thẩm định hồ sơ để lập danh sách đề nghị hưởng trợ cấp cho đối tượng được”. Do đó, nạn nhân CĐDC muốn được hưởng các chế độ trợ cấp theo qui định thì phải quay trở lại các đơn vị đã từng tham gia chiến đấu để xin xác nhận lại. Tuy nhiên, ngay trong “hướng mở” này cũng đã bộc lộ nhiều trở ngại đối với nạn nhân CĐDC như các đơn vị mà nạn nhân CĐDC đã từng tham gia chiến đấu thường đóng ở xa, nhiều đơn vị đã giải thể, các cán bộ sĩ quan chỉ huy đơn vị đã không còn… Mặt khác, đa phần nạn nhân CĐDC đều đã tuổi cao, sức yếu, kinh tế khó khăn nên việc tìm về các đơn vị cũ để xin lại xác nhận là không hề đơn giản. Từ thực tế này, cán bộ ngành LĐ – TB – XH và nạn nhân CĐDC đã thể hiện mong muốn có những linh động trong qui định như có thể để cho đồng đội xác minh, chính quyền địa phương xác minh…. thời gian và địa điểm nạn nhân CĐDC đã từng tham gia chiến đấu
 
Ngoài ra, hiện nay, trong qui định có nêu rõ hồ sơ đề nghị duyệt thẩm của nạn nhân CĐDC phải có bệnh án đã điều trị tại bệnh viện tỉnh (bệnh viện huyện chưa đủ thẩm quyền) đối với trường hợp mắc một trong 17 loại bệnh qui định trong Quyết định số 09/2008/QĐ – BYT. Đây lại thêm là một “cửa ải” khó đối với nạn nhân CĐDC bởi vì không phải nạn nhân CĐDC nào cũng có điều kiện lên bệnh viện tỉnh khám bệnh và điều trị bệnh. 
 
Thêm một vấn đề nổi lên làm chậm quá trình giải quyết hồ sơ cho nạn nhân CĐDC chính là yếu tố con người – đội ngũ cán bộ LĐ – TB – XH. Hiện nay, chất lượng, trình độ đội ngũ cán bộ LĐ – TB – XH của một số xã còn hạn chế. Đây là đội ngũ cán bộ trực tiếp hướng dẫn, giúp nạn nhân CĐDC hoàn thiện hồ sơ nhưng bản thân họ lại chưa nắm được nội dung, yêu cầu và các qui định liên quan dẫn đến tình trạng hồ sơ của nạn nhân CĐDC nộp lên phòng LĐ – TB – XH huyện lại bị trả về. Ngoài ra, sự thay đổi, luân chuyển cán bộ phụ trách, bàn giao công việc không đầy đủ dễ dẫn đến thất lạc hồ sơ, nạn nhân CĐDC phải làm đi làm lại. Một số nạn nhân CĐDC bức xúc vì phải làm đi làm lại nhiều lần, chán nản vì phải chờ đợi lâu mà không có câu trả lời rõ ràng nên đã bỏ cuộc dù biết đó là quyền lợi chính đáng mình được hưởng.
 
Thực tế hiện nay cho thấy đa phần nạn nhân CĐDC đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống khó khăn, sức khoẻ suy giảm nên việc kịp thời quan tâm, tháo gỡ vướng mắc, giải quyết chế độ chính sách cho nạn nhân CĐDC là việc làm hết sức cần thiết và cần được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.