DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

21/01/2015 00:00
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KKHGĐ) của tỉnh đã có nhiều chuyển biển tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng được nâng cao. Do đó, nhiều chỉ tiêu về dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Nhận thức rõ công tác DS-KKHGĐ có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, được coi là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, gia đình và cộng đồng. Vì vậy, công tác thông tin giáo dục tuyên truyền được đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện, Ngành y tế đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các sở, ban, ngành,  mặt trận tổ quốc và các đoàn thể triển khai công tác tuyên truyền về Pháp lệnh dân số, đặc biệt tập trung tuyên truyền tới những vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có mức sinh cao. Đội ngũ cán bộ DS-KKHGĐ xã và cộng tác viên dân số cơ sở đã thực hiện tốt việc quản lý địa bàn, quản lý hộ gia đình, triển khai các hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách dân số. Công tác truyền thông dân số qua các phương tiện thông tin đại chúng truyền thanh, truyền hình, báo, tạp chí, panô, khẩu hiệu được tăng mạnh về số lượng và chất lượng, phong phú về hình thức và nội dung, huy động được đông đảo lực lượng xã hội tham gia, góp phần làm cho các tầng lớp nhân dân chuyển biến về nhận thức, hiểu rõ sự cần thiết và lợi ích của chính sách DS-KKHGĐ. Mức độ hiểu biết về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã tăng lên 77%; số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay còn 2,1 con. Các thông tin, kiến thức và kỹ năng thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới được phổ biển rộng khắp. Quy mô gia đình ít con đã được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, từng bước trở thành chuẩn mực xã hội, ngày càng được nhiều gia đình đồng thuận và thực hiện.

Xác định đầu tư cho công tác DS-KKHGĐ là đầu tư cho phát triển, đưa lại lợi ích trực tiếp rất cao, Tỉnh đã có nhiều chính sách đối với các tập thể, cá nhân tham gia làm tốt công tác DS-KKHGĐ như chính sách miễn phí dịch vụ và thuốc thiết yếu cho người sử dụng nếu thực hiện KKHGĐ tại các cơ sở y tế công lập, đưa việc thực hiện chính sách DS-KKHGĐ vào làm một trong những tiêu chí để bình xét, đánh giá, xếp loại thi đua, đề bạt bổ nhiệm cán bộ, đảng viên. Đưa tiêu chí không có người sinh con thứ 3 vào quy ước, hương ước của thôn xóm, khu dân cư và trở thành một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa...

Bên cạnh đó, trong mười năm qua, hệ thống dịch vụ KKHGĐ không ngừng được củng cố và phát triển. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 10 cơ sở thực hiện kế hoạch đình sản; 100% trạm y tế thực hiện cung cấp thuốc tiêm tránh thai; 83,8% trạm y tế xã, phường, thị trấn có y cụ đặt vòng tránh thai,.... đảm bảo chất lượng dịch vụ. Đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo chuyên sâu, cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình cho nhân dân. Ngoài ra, hệ thống y tế tư nhân đã góp phần không nhỏ vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 25 cơ sở hành nghề y tư nhân có đăng ký hành nghề khám chữa bệnh sản, phụ khoa. Các cơ sở này được ngành y tế quản lý, theo dõi thường xuyên nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ góp phần tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, các chính sách về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em thanh thiếu niên và người cao tuổi được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định. Trung bình hàng năm, tỷ lệ phụ nữ mang thai được đi khám thai định kỳ đạt 99,8%, tỷ lệ phụ nữ được tiêm phòng uốn ván trước khi sinh đạt 99,7%. Công tác kiểm tra sức khỏe di truyền, tư vấn tiền hôn nhân được triển khai đến tận các thôn xóm, khu dân cư, như mô hình can thiệp giảm thiểu mắc bệnh Thalassemia. Đề án "Tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh" đã được triển khai thực hiện hiệu quả, khuyến khích nam, nữ thanh niên kết hôn ở độ tuổi thích hợp, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, tuyên truyền vận động tham gia sàng lọc trước và sau sinh... Những hoạt động đó đã giúp các gia đình có những đứa con khỏe mạnh, giảm tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, suy dinh dưỡng trong cộng động. Tính đến năm 2014, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 19%. Các chương trình, dự án nâng cao chất lượng cuộc sống đối với các dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được chú trọng quan tâm thực hiện góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các địa phương, nâng cao chất lượng dân số nói chung.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác DS-KHHGĐ, thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ với Chương trình xóa đói, giảm nghèo và các Chương trình mục tiêu quốc gia khác trên địa bàn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.