Ngỡ ngàng chốn bồng lai…
Xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc, còn có tên khác là Thung Mây, cái tên gợi biết bao sự tò mò, bởi tôi từng được ng về những truyền thuyết và khung cảnh thiên nhiên kỳ thú nơi ấy. Lũng Vân còn được biết đến là “thôn trường thọ”. Con người nơi đây chân chất thật thà, cuộc sống vẫn còn vật lộn nhiều để lo cái ăn cái mặc, vậy mà Lũng Vân có thể tự hào khi có rất nhiều cụ già thọ hơn trăm tuổi mà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh.
Địa danh Lũng Vân hẳn còn xa lạ với nhiều người. Vì nằm sâu bên trục đường Hòa Bình - Mộc Châu, nên thường bị dân “phượt” bỏ qua. Từ TP Hòa Bình theo hướng Mộc Châu, đến chợ Lồ rẽ sang trái, vượt qua chặng đường cheo leo hiểm trở với liên tiếp những đèo dốc quanh co khúc khuỷu, nhiều khúc cua tay áo khiến bạn nhớ về câu thơ trong bài Tây Tiến: “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” – Đó thực sự là một thử thách làm nản lòng những người không ưa mạo hiểm, và ngay cả những người ham thích phiêu lưu thì thử thách đó cũng rất “đáng gờm”. Vượt qua cung đường đó, Lũng Vân sẽ hiện ngay ra trước mắt, khiến bạn ngỡ ngàng.
Nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, từ xa nhìn xuống, Lũng Vân thấp thoáng nóc nhà sàn trong mây trắng, được bao bọc bởi bốn bề núi non xanh thẳm. Xứ này quanh năm mây phủ, quá trưa mới thấy mặt trời. Cái tên Lũng Vân một phần cũng vì “đặc trưng” ấy, hàm nghĩa nơi đây là thung lũng mây ngàn – Thung Mây. Cảnh sắc thanh bình thơ mộng tưởng chừng chỉ có trong xứ sở thần tiên, còn những người dân nơi đây cũng vậy, đôn hậu hiền hòa như từ những câu chuyện cổ tích bước ra.
Vùng đất ấy với biết bao câu chuyện li kỳ. Dẫu cuộc sống của đồng bào nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng có rất nhiều cụ già trường thọ, mà hoàn toàn minh mẫn khỏe mạnh. Nhiều cụ vẫn lao động bình thường giúp đỡ cháu con.
“Có lẽ hiếm có nơi nào được tặng nhiều lụa như ở Lũng Vân. Cả xã chưa tới 400 nếp nhà sàn, nhưng có tới chừng 50 cụ thượng thọ - từ 80 tuổi trở lên. Chẳng biết từ khi nào mà Lũng Vân được biết đến một cái tên khác là thung lũng trường thọ” – Ông Đinh Thanh Dững, Chủ tịch Hội người Cao tuổi xã Lũng Vân cho biết.
Khi chúng tôi có mặt tại nhà cụ Đinh Thị Chăn, 93 tuổi ở thôn Bò cũng là lúc cụ đang vừa ngồi bên bếp lửa vừa khâu vá. Thấy khách đến thăm nhà, cụ Chăn cất lời chào, mời khách bằng tiếng Mường. Một trong số những người con cháu cụ vội cất lời phiên dịch – từ bé đến giờ cụ Chăn chưa một lần đi xa khỏi Lũng Vân, và việc nói tiếng Kinh của cụ cũng hết sức hạn chế. Gương mặt cụ Chăn hiền hậu miệng cười móm mém trong khi trò chuyện.
Theo hướng dẫn của những người bản xứ, chúng tôi tìm về nhà cụ Hà Thị Nỷ SN 1912 ở thôn Bục. Từ trung tâm xã, về thôn Bục chỉ chừng dăm bảy cây số nhưng đường xá khá khó đi với đoạn thì lầy lội trơn tuột, đoạn thì lởm chởm đá trắng – thử thách này khó khăn hơn nhiều so với việc vượt qua cung đường từ QL 6 tìm về Thung Mây. Cụ Hà Thị Nỷ đã thọ 100, sống cùng con cháu tươi cười bước xuống cầu thang đón chúng tôi. Khi được hỏi về “bí quyết” trường thọ, cụ cười móm mém lắc đầu “không có bí quyết gì cả, cứ thế này thôi”.
Cụ Hà Thị Nỷ. |
Được biết, hầu hết các cụ ông, cụ bà ở Thung Mây dù tuổi cao nhưng vẫn làm đồng áng. Như cụ Hà Thị Hậu, ở thôn Bách có hoàn cảnh khá khó khăn, chỉ sống một mình trong căn nhà sàn do đoàn thanh niên dựng đầu năm 2012. Đến nay dù đã vào hàng thượng thọ, cả trăm tuổi rồi nhưng cụ vẫn minh mẫn và sáng suốt, “gối chặt mắt sáng”, tất bật với việc đồng áng.
‘‘Bí quyết” trường thọ
Ở Thung Mây, bên bếp hồng tôi được nghe những người nhiều tuổi kể về sự tích của bản làng. Chuyện rằng, từ xa xưa lắm ở xứ Mường Bống tận bên đất Lạc Sơn (Hòa Bình), nhà Lang cho xây dựng một con đập dẫn nước về ruộng bậc thang. Lũ trẻ Mường Bống rủ nhau tắm trên đập, chui luồn trong ống cống dẫn nước bắc ngang qua chân núi. Một nhà nọ đan một chiếc đó chặn ở đầu bên kia miệng cống, để bắt cá. Lũ trẻ mải chơi đùa chui qua miệng cống vô tình lọt vào miệng đó làm chết 9 thằng bé con. Nhà Lang phạt vạ bắt gia đình này đan đủ 9 cái đó, mỗi năm nộp lúa ngô, lợn gà… quy sang vàng bạc, đựng đầy 9 đó để nộp nhà Lang. Vào một đêm tối trời, gia đình bị phạt vạ đã gùi 9 đó lúa mới, bồng bế dắt díu nhau bỏ Mường, bỏ xứ, để trốn nhà Lang. Họ đi mải miết ròng rã nhiều tháng trời, đến một vùng rừng núi hoang vu, nghĩ rằng đã trốn thoát khỏi nhà Lang, họ mới dừng lại, khai khẩn đất hoang, sinh cơ lập nghiệp.
Theo một số bậc cao niên ở Thung Mây, cuộc sống người dân nơi đây quanh năm làm bạn với cái đói cái nghèo. Nhưng họ vẫn hồn nhiên như cây cỏ. Nếp sinh hoạt của người dân nơi đây gần gũi với thiên nhiên, và rất đúng giờ giấc. Sản vật trong vùng đều là tự cung tự cấp. Nguồn nước sinh hoạt được các gia đình dẫn về từ trên khe suối. Đặc biệt có một chi tiết khiến tôi chú ý đó là các bậc cao niên nơi đây gần như tuyệt đối không ăn gan động vật. Trong mỗi gia đình đều uống một thứ nước hái từ lá cây rừng pha với nước dẫn về từ khe núi đun sôi.