Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác giảng dạy, tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề thực hiện tốt công tác tuyển dụng theo tiêu chuẩn quy định, nhất là đối với các chức danh quản lý và giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy. Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tự đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng thực hành nghề và ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy; cử đoàn dạy nghề của tỉnh tham gia và đạt nhiều giải cao tại các hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc. Tính đến nay, toàn tỉnh có 140 cán bộ quản lý dạy nghề các cấp, 407 giáo viên và người dạy nghề.
Trong những năm qua, các cơ sở dạy nghề công lập được đầu tư xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất. Các phòng học, xưởng thực hiện, văn phòng và các công trình phụ khác cơ bản đảm bảo điều kiện đào tạo. Riêng các Trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện đã có 7/10 Trung tâm được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 68 tỷ đồng. Có 10/10 Trung tâm được đầu tư trang thiết bị cho các nghề có trình độ sơ cấp như: điện dân dụng, may công nghiệp, tin học, hàn, sửa chữa xe máy, điện công nghiệp, chổi chít, điện tử, cơ khí…Tổng kinh phí hỗ trợ trên 19 tỷ đồng.
Bên cạnh việc phát huy tối đa năng lực, quy mô của các trường, trung tâm đào tạo dạy nghề với các ngành nghề trung và dài hạn, các trường, trung tâm triển khai công tác đào tạo nghề tại chỗ cho lao động nông thôn với các ngành nghề ngắn hạn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương như: mây tre đan, chổi chít, thêu ren…hoặc hỗ trợ kinh phí để phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện loại hình đào tạo vừa học, vừa làm đối với người lao động được tuyển dụng vào làm việc. Hằng năm, công tác đầo tạo nghề cho lao động đều đạt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt từ 70 – 80%. Một số nghề đạt trên 90% như: may công nghiệp, hàn, nuôi lợn, nuôi gà…Đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%, trong đó lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 15%, đạt chỉ tiêu đề ra.
Mặc dù đã được đầu tư nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của một số nghề tại các trường nghề còn thiếu so với yêu cầu đào tạo nên chưa đáp ứng yêu cầu học nghề của người học. Công tác xã hội hóa dạy nghề còn hạn chế, chưa đa dạng các ngành nghề đào tạo. Đến thời điểm hiện nay còn 3/10 Trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện chưa được đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất (Kim Bôi, Kỳ Sơn và Mai Châu). Một số khó khăn sau khi sáp nhập các Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên như: cơ chế quản lý tại các trung tâm vẫn còn đang chồng chéo; việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo và bố trí công tác cho giáo viên còn nhiều bất cập; mỗi địa điểm cách xa nhau gây khó khăn trong đi lại, quản lý, điều hành và giảng dạy…