DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh

13/05/2019 00:00
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, đến nay tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực. Hệ thống chính sách dân tộc được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên. Diện mạo vùng DTTS và miền núi có nhiều khởi sắc.

Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào các DTTS. Triển khai thực hiện các chương trình, Đề án về phát triển kinh tế như: Chương trình 134; 135; Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, xóm khó khăn nhất tỉnh; Đề án củng cố nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu,... Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.400 mô hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn theo định hướng kết nối thị trường; góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS; bộ mặt nông thôn có sự đổi thay tích cực, giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh vươn lên, ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 27,37% năm 2001 xuống còn 7,8% vào cuối năm 2015 bình quân mỗi năm giảm 3,91%; giai đoạn 2016 - 2018 từ 24,38% xuống còn 14,74% bình quân mỗi năm giảm 3,21% vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, có 209/210 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã có điện lưới quốc gia; 90% hộ dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hệ thống chợ nông thôn được đầu tư xây dựng kiên cố và bán kiên cố.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Sự nghiệp giáo dục, y tế vùng đồng bào DTTS được chăm lo tốt hơn. Đến nay, tỉnh đã phủ sóng phát thanh 99,5% và sóng truyền hình 87,9% diện tích toàn tỉnh; 100% xã có cáp quang đến trung tâm xã; tỷ lệ máy điện thoại đạt 80 máy/100 dân; số xã có dịch vụ Internet băng thông rộng ADSL đạt tỷ lệ 90%; tỷ lệ số thuê bao Internet là 3 thuê bao/100 dân. Tập trung xây dựng hệ thống các trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở và Trung học phổ thông, đảm bảo 10% số học sinh DTTS bậc trung học được học trường nội trú, bán trú. Thực hiện tốt chính sách cử tuyển. Từ 2003- 2017, tỉnh đã cử tuyển 53 con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh theo học các trường cao đẳng, đại học, tạo nguồn cán bộ cho các địa phương cơ sở vùng đồng bào dân tộc. Công tác bồi dưỡng đào tạo dạy nghề ở vùng dân tộc miền núi tiếp tục được triển khai thực hiện. Năm 2003, toàn tỉnh có 8.150 số người được đào tạo nghề, đến năm 2018 số người đạo tạo nghề là 16.070 người, trong đó người DTTS là 9.642 người chiếm 60%. Tập trung mọi nguồn lực để nâng cấp các trạm y tế cấp xã, tuyến y tế cơ sở từng bước hiện đại, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Nghiên cứu, đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến dược liệu; sưu tầm, trồng và sử dụng các cây thuốc quý, các bài thuốc dân gian trong đồng bào DTTS. Tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng vườn thuốc nam và tủ thuốc xanh tại gia đình. Đến nay, 100% xã có trạm y tế và được quy hoạch xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tuyến y tế cơ sở hiện có trên 2.000 nhân viên y tế thôn bản, 1.300 nhân viên y tế ở các trạm xá. Hỗ trợ bảo hiểm y tế 100% cho người nghèo, đồng bào DTTS vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo, người DTTS được sử dụng các dịch vụ y tế. Quan tâm triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS’’; Dự án “Hỗ trợ Y tế các tỉnh Đông bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng tỉnh Hòa Bình” cho các đối tượng là người DTTS tại  Bệnh viện đa khoa tỉnh; Trung tâm y tế các huyện: Lương Sơn; Kim Bôi; Mai Châu; Tân Lạc bước đầu đã đạt kết quả tích cực.

Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc và miền núi. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số từ tỉnh đến cơ sở từng bước được nâng lên về số lượng và chất lượng. Quan tâm cử người dân tộc thiểu số đi đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Từ 2010 - 2017: có 157 người DTTS được cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ, chuyên khoa I, 08 người đi đào tạo trình độ tiến sĩ, chuyên khoa II. Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số 1.341/3.475 người, chiếm tỷ lệ 38,58.% tổng số cán bộ, công chức viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện. Từ năm 2003 đến nay, có tổng số 81.607 lượt cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS các cấp được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng an ninh, ngoại ngữ, tiếng dân tộc và quản lý Nhà nước. Quan tâm thực hiện công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý và phát triển đảng viên người DTTS. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người DTTS ở nước ngoài. Tính từ năm 2010 đến nay có 18/57 cán bộ, công chức là người DTTS tham gia đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng giao tiếp Tiếng Anh  tại Philippines; 06 cán bộ DTTS được đào tạo theo Chương trình 165, thạc sỹ ở nước ngoài.

Để thực hiện tốt công tác dân tộc trong thời gian tới,  tỉnh đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, trọng tâm là phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc. Tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân vững chắc. Nắm chắc tình hình Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng điểm mô hình xã, bản nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp phụ trợ, tạo việc làm cho đồng bào các dân tộc. Tăng cường quản lý hoạt động thương mại, phát triển kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; huy động nguồn lực địa phương đầu tư hạ tầng thiết yếu nông thôn, nông nghiệp vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Kịp thời di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở và khắc phục kịp thời hậu quả thiệt hại do thiên tai. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.