Tỷ lệ các đối tượng chính sách được tiếp cận các dịch vụ y tế ngày càng cao, quyền lợi trong khám bệnh, chữa bệnh của những người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) từng bước được mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân được cải thiện, công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát, quản lý, sử dụng quỹ BHYT an toàn, hiệu quả; việc thực hiện các chế độ chính sách BHYT đã mang lại niềm tin và lợi ích cho Nhân dân, qua đó khẳng định BHYT có vai trò quan trọng trong đời sống hiện nay, góp phần không nhỏ trong thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khoẻ Nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tổ chức quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 38-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Kết quả, 100% đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã tổ chức các hội nghị triển khai học tập, quán triệt; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp. Để lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác BHYT, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU, ngày 14/5/2013 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh .
Trong quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện trong toàn tỉnh; giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo công tác tuyên truyền, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo kết quả định kỳ 6 tháng, hằng năm để Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã đưa các chỉ tiêu về BHXH, BHYT vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác hằng năm để triển khai thực hiện. Các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị, trong đó tập trung tuyên truyền Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản liên quan. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trên 50 văn bản triển khai chỉ đạo; Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh và các sở, ban, ngành đoàn thể xã hội khác đã ban hành gần 100 văn bản triển khai thực hiện. 10/10 huyện, thành phố ban hành gần 400 văn bản chỉ đạo gồm chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của cấp ủy, chính quyền, công văn, báo cáo,… với các giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung tuyên truyền, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW có hiệu quả.
Công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT luôn được quan tâm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh phối hợp triển khai thực hiện “Cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT” từ tỉnh đến cơ sở. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ trì nhiều chương trình phối hợp thực hiện chính sách BHYT với các sở, ngành và phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức hệ thống đại lý thu BHYT; do đó hệ thống đại lý thu BHYT của các xã, phường, thị trấn, của Hội Nông dân đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tham gia BHYT của người dân tại các thôn, tổ dân phố, góp phần vào việc thực hiện tỷ lệ bao phủ BHYT được giao, năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ bao phủ BHYT từ 64,8% năm 2009 đến hết năm 2023 là 95,23%. Người tham gia BHYT được rà soát, cập nhật thường xuyên; công tác tuyên truyền vận động được quan tâm triển khai đến từng khu dân cư, từng đối tượng. Nội dung tuyên truyền đầy đủ, rõ ràng về những thay đổi của chính sách, quyền lợi của người có thẻ, thông tuyến khám, chữa bệnh,… để nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, người dân và toàn xã hội về quyền lợi và trách nhiệm, vai trò, tính nhân văn, cộng đồng chia sẻ rủi ro của chính sách BHYT, từ đó tự giác tích cực tham gia. Bên cạnh đó, chương trình trao thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm chia sẻ, giúp đỡ các đối tượng khó khăn được chăm sóc sức khỏe theo chế độ BHYT.
Hằng năm, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc việc cấp phát thẻ BHYT cho các đối tượng được Ngân sách Nhà nước đảm bảo; Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong cấp thẻ cho các đối tượng tham gia bắt buộc, đối tượng chính sách và theo hộ gia đình; vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm mua thẻ BHYT cho đối tượng này, chương trình đã bước đầu lan tỏa, góp phần thực hiện mục tiêu 100% người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, đây cũng là một giải pháp thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Về phương hướng, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác BHYT trong thời gian tới, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối kết hợp của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các địa phương, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về BHYT. Tiếp tục đổi mới về nội dung và đa dạng hình thức tuyên truyền về BHYT đến mọi tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, nhất là các địa bàn vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, đảm bảo thông tin về chính sách BHYT tiếp cận được với tất cả các nhóm đối tượng, làm thay đổi nhận thức và quan niệm về BHYT trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giảm nghèo trong đời sống Nhân dân; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT của tỉnh đến năm 2025 là 95,3%. Tiếp tục đưa chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT vào Nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các địa phương trong tỉnh; bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức điều tra, lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho các đối tượng từ ngân sách Nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý trong việc thực hiện chính sách BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về BHYT, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi Quỹ BHYT; xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, tăng cường cho hệ thống y tế cơ sở nhằm đảm bảo quyền lợi và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT. Khuyến khích đội ngũ y bác sĩ học tập nâng cao trình độ chuyên môn; tăng cường khai thác và sử dụng thành thạo các trang thiết bị phục vụ công tác khám, chẩn đoán và điều trị đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của Nhân dân; xây dựng chính sách thu hút nhân lực y tế chất lượng cao về tỉnh công tác, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho nhân lực y tế đang công tác tại tỉnh để dần từng bước nâng cao chất lượng KCB tại tỉnh tương đương với các tỉnh trong khu vực. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo hiểm y tế. Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp đã được ký kết giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương với BHXH tỉnh trong việc quản lý thực hiện chế độ, chính sách BHYT, việc khám, chữa bệnh BHYT, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng đối với người bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám định và thanh quyết toán BHYT; có giải pháp quản lý phù hợp nhằm sử dụng quỹ an toàn, hiệu quả và đảm bảo cân đối Quỹ BHYT./.