Trong những năm qua, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã theo dõi chặt chẽ và có kế hoạch đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm tác hại, trong đó chú ý triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; nghiên cứu, áp dụng các biện pháp điều trị nghiện một cách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo số liệu thống kê tính đến ngày 24/08/2012, trong toàn tỉnh có 146/210 xã phường có người nhiễm HIV/AIDS với tổng số (tính cả số tử vong) là 1.882 trường hợp, trong đó có 533 người nhiễm HIV, 601 người chuyển sang giai đoạn AIDS, và 748 người đã tử vong do AIDS.
Trước tình hình số người nhiễm HIV/AIDS ngày một tăng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2012 và tầm nhìn 2020 với các nội dung: thông tin, giáo dục - truyền thông thay đổi hành vi; can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm được tiếp cận điều trị AIDS; Dự phòng lây truyền mẹ con; An toàn truyền máu; Quản lý và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bên cạnh đó, công tác điều trị được thực hiện tại phòng khám ngoại trú của trung tâm bằng thuốc ARV, cung cấp thuốc dự phòng và điều trị các nhiễm trùng cơ hội thông thường cho tuyến huyện, triển khai điều trị cơ bản và chăm sóc giảm nhẹ từ tuyến xã, phường.
Ông Lâm Ngọc Tĩnh, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho biết: “Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn tập trung vào thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi cho các nhóm có nguy cơ cao như nhóm người nghiện chích ma túy; gái bán dâm, tiếp viên nhà hàng; người nhiễm HIV/AIDS; thành viên gia đình của người nhiễm; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ…. Trung tâm còn phối hợp triển khai thí điểm mô hình toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư; Triển khai chiến dịch phòng lây truyền từ mẹ sang con… Tuy nhiên, do con số người nhiễm HIV/AIDS ngày một tăng cao nên việc triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS một cách toàn diện và chương trình can thiệp giảm tác hại gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, nguồn nhân lục và cán bộ tuyến cơ sở còn hạn chế về chuyên môn và kiêm nhiệm nhiều việc; phương tiện chẩn đoán điều trị và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân AIDS chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nên việc quản lý, tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân chưa đạt hiệu quả cao”.
Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hòa Bình đã thành lập hệ thống phòng, chống HIV/AIDS nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai quản lý, theo dõi, đánh giá chương trình; áp dụng luật phòng, chống HIV/AIDS tạo hành lang pháp lý thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại cho nhóm có nguy cơ cao. Đồng thời phối hợp chỉ dạo các hoạt động liên ngành làm cơ sở để tiếp nhận và duy trì triển khai các dự án LIFE-GAP, dự án Quỹ toàn cầu và dự án phòng, chống HIV/AIDS khu vực Châu Á (dự án HAARP) đang tài trợ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong toàn tỉnh nhằm hạn chế tốc độ lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng xuống dưới 0,3%.
Nhận thức của xã hội đối với HIV/AIDS đã được cải thiện, mỗi người dân đã hiểu được cách thức lây truyền bệnh để tự bảo vệ mình, người nhiễm HIV/AIDS được sống hòa nhập hơn với cộng đồng. Đó là mục đích lớn nhất của chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ./.