DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh dịch AIDS năm 2030, tỉnh Hòa Bình

25/10/2022 00:00
Nhằm mục đích đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 21/10/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND về việc đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh dịch AIDS năm 2030.

Theo đó, UBND tỉnh đề ra 03 nhóm giải pháp trọng tâm: Nhóm giải pháp huy động nguồn tài chính đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS. Định hướng ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước các cấp tập trung cho các hoạt động can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV, giám sát dịch, truyền thông, can thiệp cho nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS và huy động bù đắp thiếu hụt kinh phí khi các nguồn viện trợ quốc tế giảm dần và chấm dứt. Mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả theo quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế; có cơ chế phù hợp để 100% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế. Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi để huy động sự tham gia bền vững của các tổ chức xã hội trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Nhóm giải pháp tổ chức, quản lý, điều phối và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí, tập trung quản lý các nguồn kinh phí chương trình phòng, chống HIV/AIDS thống nhất một đầu mối tại Sở Y tế để đảm bảo phân bổ sử dụng hiệu quả, tránh chồng chéo. Ưu tiên phân bổ kinh phí phòng, chống HIV/AIDS hàng năm cho các huyện, thành phố trọng điểm về tình hình dịch, có nguy cơ lây nhiễm cao. Đảm bảo cơ chế tài chính khuyến khích việc phát hiện các đối tượng có nguy cơ cao và các dịch vụ đưa người nhiễm HIV vào điều trị sớm. Củng cố và nâng cao năng lực các cơ quan đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến trong công tác lập kế hoạch; trong quản lý và sử dụng kinh phí, nhằm đảm bảo điều phối và phân bổ kinh phí hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương và các đơn vị (về địa bàn, lĩnh vực, hoạt động và đối tượng). Xây dựng và mở rộng các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các tổ chức xã hội, các nhóm cộng đồng. Đề xuất các cơ chế tài chính nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ và đầu tư cho các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt đối với các dịch vụ như tìm ca, tiếp cận các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Thực hiện việc kiểm tra, giám sát tài chính trong nội dung kiểm tra giám sát hoạt động chương trình phòng, chống HIV/AIDS định kỳ hàng năm do Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện…

Nhóm giải pháp quản lý chương trình nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực: Gắn kết dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS vào hệ thống y tế địa phương. Tiếp tục duy trì và mở rộng các mô hình dự phòng, chăm sóc và điều điều trị HIV/AIDS sử dụng các nguồn lực hiện có (của ngành y tế/sở Lao động, Thương binh và Xã hội/Công an); lồng ghép dịch vụ và củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; triển khai và mở rộng các mô hình cung cấp dịch vụ nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ sớm với người sử dụng dịch vụ. Lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào, các cuộc vận động quần chúng ở các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.

Mục tiêu phấn đấu tới năm 2023, 100% người nhiễm HIV/AIDS điều trị tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT; bảo đảm cung ứng đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. 100% các huyện, thành phố có hệ thống thu thập số liệu đạt chất lượng để theo dõi tình hình dịch và đánh giá hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. 100% các huyện thành phố có kế hoạch xây dựng mô hình phòng chống HIV/AIDS; 80% xã phường trọng điểm có ít nhất một mô hình phòng chống HIV/AIDS (Nhóm giáo dục viên đồng đẳng; Nhóm chăm sóc tại nhà; câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS; mô hình toàn tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư…)./.