
Cơm mới là một nghi lễ nông nghiệp truyền thống rất quan trọng của mỗi gia đình người Tày, theo phong tục cứ gia đình nào có bát hương thờ cúng ông bà tổ tiên hàng năm đều phải tổ chức lễ cúng cơm mới. Trước ngày làm cơm mới, con cháu trong nhà phải ra phát mồ phát mả của những người đã khuất trong gia đình và mời họ về ăn tết cơm mới.
Để chuẩn bị làm cơm mới, người Tày phải chuẩn bị trước rất nhiều đồ lễ như : hoa chuối rừng, thịt chuột hang sấy khô,cá suối, lá nhuộm cơm nếp,….Đồ lễ cúng trong mâm phải là những sản vật có ở trên rừng và dưới nước bắt buộc phải có gồm : thịt chuột hang đồ chín, cá suối gắp nướng, cá ốt đồ (tiếng tày gọi là pả móc )được làm rất cầu kỳ từ hoa chuối rừng, cá suối,thịt lợn và gạo tấm cùng gia vị nắm tròn lại gói trong lá dong hoặc lá chuối đồ chín. Tuyệt đối đồ cúng không dùng thịt gà, vịt vì họ cho rằng những con vật này cũng ăn gạo ăn thóc như người. Xôi cúng phải làm xôi các màu nhuộm từ lá cơm nếp, cùng cặp bánh uôi. Ngoài thức ăn chín gia chủ còn phải chuẩn bị rượu, vuông vải trắng , vải thổ cẩm tự dệt, 3 cái vòng bạc, cùng 5 chén rượu 5 đôi đũa, 5 khúc mía, 5 quả chuối, đĩa trầu cau đã têm. Đặt cạnh mâm cúng là bộ quần áo của gia chủ và quần áo của con cháu trong nhà mang đến.
Khi đồ cúng được bày xong , ông mo bắt đầu cúng. Trước khi hành lễ ông mo phải tung đồng bạc âm dương để xin “mo tảy” nhập vào mình đến khi nào được mới được cúng tiếp. Ông mo phải mo bằng tiếng Tày với các bài mo có nội dung, có ý nghĩa riêng ,cầu cho mùa màng năm tới được mùa, gia đình được ấm no có của ăn của để và mời các bậc tổ tiên từ trên trời xuống, từ mộ về cùng dự lễ mừng lúa mới với con cháu.
Sau khi mo xong, mâm cố cúng được dọn ra, gia chủ và họ hàng cùng nâng chén rượu mừng một năm sản xuất được mùa, cầu chúc cho vụ mới mưa thuận gió hòa, gia đình an vui.
Lễ cúng cơm mới thực sư là một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc làm đa dạng và phong phú thêm bản sắc dân tộc của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.