Múa xòe vốn là môn nghệ thuật dân tộc đặc sắc của người Thái Tây Bắc, đặc biệt ở hai địa danh Mường Lò (Sơn La) và Mai Châu( Hòa Bình). Nhắc đến múa, có lẽ ai cũng mường tượng ra những dáng điệu phức tạp và cầu kỳ phải dày công khổ luyện và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, nhưng múa xòe lại đặc sắc và độc đáo chính bởi sự đơn giản của nó. Động tác múa xòe đơn giản, dễ thực hiện, chủ yếu là các bước đi đúng theo từng điệu múa và đảm bảo sự phối hợp ăn ý giữa đội múa. Múa xòe là nét sinh hoạt văn hóa của người Thái có sức sống bền vững trong cộng đồng. Xưa người Thái múa xòe để xua tan mệt mỏi sau ngày lao động vất vả, thể hiện ước mơ, khát vọng về một cuộc sống ấm no và mở ra những niềm vui mới. Nay, ý nghĩa đó không thay đổi, người Thái mê múa không vì ý nghĩa hội hè trọng đại mà đơn giản điệu múa là nơi họ thể hiện niềm đam mê văn nghệ, tài năng và tâm tư của mình.
Múa xòe thường được tổ chức ở sân rộng bên đống lửa hồng, bên chum rượu cần thơm nồng hay đơn giản trên gian nhà sàn rộng, múa xòe không kén người, không kén cảnh nhưng đòi hỏi tâm và tình của người múa. Múa xòe Thái có thể đứng vòng tròn vỗ tay, tung khăn, tiến lùi hay nâng khăn mời rượu… Mỗi điệu xòe đều có vẻ độc đáo riêng nhưng rất giản dị, dễ đi vào lòng người, ai cũng có thể múa được. Những đêm hội xòe mọi người tham gia đều rạo rực và xao xuyến, ai cũng diện trang phục đẹp, ai cũng có chút nồng nàn của rượu Cần để tự lôi mình vào vòng xòe bất tận. Vòng xòe mỗi lúc một rộng hơn (không quy định số người tham gia) giống như bông hoa nhiều màu sắc, vòng xòe càng rộng càng chứng tỏ sự say mê, sự đoàn kết của một cộng đồng văn hóa mang bản chất Việt Nam.
Đến Mai Châu nhiều lần, theo người già, người trẻ chen chân đi xem những đêm hội xòe, ngày biểu diễn văn nghệ hay thưởng thức xòe ở các bản du lịch như bản Văn, bản Pom Cọong, bản Lác…tôi đều được trải nghiệm nhiều cảm giác thú vị: vừa hồi hộp, vừa chờ đợi vừa hào hứng và “say” theo điệu xòe. Qua thực tế thưởng xòe và trao đổi với anh Khà Văn Toàn- Phó chủ tịch UBND trị trấn Mai Châu, đồng thời cũng là một người luôn say mê tìm hiểu văn hóa Thái- cho tôi biết múa xòe có sáu điệu cổ cơ bản. Sáu điệu xòe đều dựa trên sự biến hóa uyển chuyển của tay và chân cùng sự biến tấu của nhạc cụ. Các điệu xòe mang các hình thế cơ bản, có nét đi rõ ràng nhưng không gò bó cứng nhắc, mà ẩn chứa nội sinh và sự biến hoá vô cùng tinh tế:
Điệu xoè vòng(nắm tay): Đây là điệu xoè cổ nhất, bởi sự đơn giản trong bước vũ. Quanh đống lửa mọi người không phân biệt độ tuổi và giới tính, nắm tay nhau tiến lùi theo nhịp trống 2/4. Khi tiến tay vung ngang tầm vai, khi lùi tay buông thẳng, nhẹ nhàng dịch chuyển theo chiều kim đồng hồ. Xoè vòng không cần luyện tập, không giới hạn số người tham gia và có thể xếp thành nhiều vòng tròn đồng tâm. Điệu xoè thể hiện sự gắn kết bền vững của cộng đồng, khát vọng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong sự vận động không ngừng của đất trời, vạn vật. Từ điệu xoè vòng, dần dần phát triển thành các điệu xoè cổ khác mang phản ánh sinh hoạt thường ngày như múa nón, múa chai, hái rau, múa sạp, múa ống...
Điệu vòng tròn vỗ tay: Các vũ công bước theo vòng tròn từ trái qua phải rồi ngược lại, nhảy co từng chân và đồng thời vỗ tay theo nhịp trống 2/4 tạo nên không khí vui tươi, rộn rã, thể hiện niềm vui của cộng đồng khi đạt được thành quả lao động lớn lao như mùa vụ bội thu, săn bắt thú rừng, mừng nhà mới, đám cưới, hội xuân…
Điệu bổ bổn : Người tham gia xếp thành hai hàng từ hai bên, quay mặt vào nhau, tay trong tay, tiến vào tạo thành vòng tròn. Từ vòng tròn trung tâm toả ra thành bốn vòng tròn nhỏ xung quanh mang ý nghĩa “bốn phương”. Các vòng tròn nhỏ lúc biến thể thành các hình vuông, lúc tạo thành các hình thoi hoặc hình bình hành, các vũ công vừa biến đổi tạo hình, vừa nhún bước theo nhịp trống, tay đan chạm vào nhau trong bước tiến. Điệu xoè diễn tả tình đoàn kết gắn bó keo sơn, tinh thần đoàn kết dân tộc. Cuộc sống dẫu muôn vàn khó khăn gian khổ, lúc bại, lúc thành, thậm chí anh em ly tán, nhưng tình người không bao giờ thay đổi. Lòng người luôn hướng về cội, tin vào sức mình, vươn lên.
Điệu tiến lùi: Các vũ công từ hai bên tiến ra xen kẽ nhau tạo thành vòng tròn, tiến lên rồi lùi lại so le chéo nhau dịch chuyển theo chiều kim đồng hồ, hai tay xoè ngang thắt lưng. Điệu xoè thể hiện tình người bền chặt keo sơn không thay đổi trong cuộc sống.
Điệu nâng khăn mời rượu: Hai hàng thiếu nữ, khăn piêu vắt trên hai cánh tay, mỗi tay nhẹ nâng chén rượu thơm tiến vào dịu dàng nhún chân mời rồi lướt sang hai bên, thể hiện tấm lòng chân tình, hiếu khách của người Thái.
Điệu tung khăn: là điệu xòe tưng bừng và sôi nổi nhất thường được dùng khi lên nhà mới, đám cưới, mừng bội thu…thể hiện sự phóng khoáng và niềm vui vô bờ bến của con người. Vòng xoè tiến lùi theo nhịp trống, dịch chuyển theo chiều kim đồng hồ, hai tay vũ công cầm hai đầu khăn piêu tung lên theo nhịp chân. Vòng xoè như bông hoa bung nở, lóng lánh sắc mầu diễn tả niềm vui, hạnh phúc, khăn thổ cẩm rực rỡ như muôn sắc mầu của cuộc sống ngợi ca thành quả lao động sáng tạo của con người.
Sáu điệu xòe cổ cơ bản tới nay vẫn được lưu giữ và phát huy sử dụng trong đời sống văn nghệ người Thái, xòe vẫn thể hiện được nghệ thuật đỉnh cao và tinh tế của người Thái. Dù biến hóa qua nhiều điệu múa, qua thời gian và không gian thì xòe vẫn như chính tâm hồn người Thái: dung dị, chân thật, luôn luôn cởi mở, vui tươi, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống.