Kể từ khi bắt đầu khóa đào tạo đại học Nhã nhạc đầu tiên, ông trở thành giảng viên thỉnh giảng chính của Trường đại học Nghệ thuật Huế. Cùng thời với nghệ nhân Nguyễn Kế, Mạnh Cẩm, ông là người có thể sử dụng hầu hết các loại nhạc cụ của dàn nhạc cung đình nhưng món sở trường của ông lại là đàn nhị và kèn bầu. Thiếu tiếng đàn của ông khi biểu diễn nhạc cung đình, người ta thấy như thiếu độ nồng và độ say, thiếu đi vị mặn của muối. Những ngón đàn của ông đã vang ngân ở nhiều nước trên thế giới và cũng làm cho người ta ngạcû nhiên, sững sờ... Trong suốt gần 70 năm gắn bó với âm nhạc cung đình, ông đã có trên 30 năm dạy học. Chính vì thế mà khó có thể kể hết số học trò đã thành danh của ông trên mọi miền đất nước. Chỉ có một điều duy nhất có thể khẳng định rằng, họ là những người đang tiếp nối âm nhạc truyền thống của cha ông.
Không chỉ có một bề dày về kỹ thuật và tay nghề, dù phương pháp chính là truyền nghề theo kiểu truyền ngón, truyền khẩu nhưng ông cũng là người có lý thuyết diễn giải và phương pháp truyền đạt có hệ thống trong các bài bản của nhạc cung đình Huế... Vừa dạy học, vừa tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ nhạc cung đình Huế ( thuộc Nhà văn hóa Huế), vừa tham gia biểu diễn ở trong và ngoài nước theo lời mời, suốt trong nhiều năm qua, ông vừa chuyên tâm tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi và ghi chép lại tất cả mọi bài bản của nhạc cung đình và đó là một kho tư liệu vô cùng qúy giá không chỉ cho riêng ông...
Mưa vẫn rơi. Sân Trường đại học Nghệ thuật Huế đầy nước. Những giọt mưa loang loang thành những vòng tròn mãi không dứt. “ Tôi yêu quý và mong sao Nhã nhạc Huế cũng như nhiều loại nhạc truyền thống khác của dân tộc không bị mai một đi theo thời gian - giọng ông hôm ấy điềm đạm và sâu lắng nhưng vẫn có điều gì thật ngùi ngẫm - Dẫu chưa được như ngày xưa nhưng tôi rất tin vào lớp trẻ bây giờ. Các cháu rồi sẽ có điều kiện học hỏi, nghiên cứu nhiều hơn. Chỉ buồn là những người như chúng tôi bây giờ không còn nhiều nữa và qũy thời gian cũng chẳng còn bao lâu...”
Nghệ nhân là danh hiệu cao quý nhất mà người dân Huế đã phong tặng và ông, có lẽ ông cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều hơn thế bởi điều chính yếu là được sống mãi trong lòng người. Nhưng mà...
Thời gian đúng là mải miết chạy qua. Nhưng với tôi, nụ cười và cái nhìn hiền từ nơi ông vẫn là điều mãi còn lại. Và tôi vẫn còn nhớ mãi dáng ông ngồi, hiền hậu và chú mục bên cây đàn trong những đêm Âm sắc Việt ở cung Diên Thọ (Đại Nội Huế ) trong những ngày Festival Huế. Khi Nhã nhạc được vinh danh, lão nghệ nhân có điều kiện đi xa hơn, mang tiếng đàn và âm sắc cung đình Huế đến nhiều nơi khác nhau trên thế giới với cả niềm kiêu hãnh của người con đất Việt. Nhưng mà tôi cứ đồ rằng, những ngày ở Âm sắc Việt, hẳn là ông vui lắm khi bà con mình, người dân mình đã đến, đã nghe, đã thưởng thức bằng tất cả tấm lòng và sự ngưỡng mộ như thế. Khi dừng lại trong không gian ấm áp của Cung Diên Thọ, tôi biết rằng, ông - bằng cả tấm lòng và cả sự tri ân nữa - đã trở thành linh hồn của những đêm Việt. Những ngón tay già nua trên những âm sắc cũ đã gợi về cả một hành trình đẫm chất thơ, và da diết một cách diệu vợi...
Vì sự dịch chuyển của công việc, tôi ít có điều kiện để gặp ông nhiều như trước. Nhưng cái ánh sáng ấm áp và hiền từ, cùng lời hỏi han chân tình mà ông nói với tôi trong những cuộc gặp thi thoảng, bao giờ cũng làm tôi thấy lòng ấm áp.
Khi biết tin ông mất, tôi lặng đi. Không thể nói là thời gian nghiệt ngã khi dòng đời vẫn mải miết chảy qua. Không nói về những hối tiếc vì cuộc sống vẫn đi về phía trước. Nhưng rõ ràng là sự ngùi ngẫm là điều ở lại. Và không biết mình có phải là võ đoán, nhưng bằng những gì mình có, tôi biết ông đã hạnh phúc khi được cống hiến, được chia sẻ và dù có thể là ông hẳn chưa thật vừa lòng, nhưng phía sau ông đã bắt đầu một sự tiếp nối với những thế hệ mới để Nhã nhạc lại được ngân lên không chỉ trong không gian Duyệt Thị Đường, không chỉ ở Đại nội, không chỉ ở Huế...
Người nghệ nhân già ấy đã đi về nơi xa lắm. Nhưng những gì mà ông để lại cho con cháu chính là một phần di sản đã được trao truyền và tiếp nối. Như phần còn lại của những - người - muôn - năm - cũ...
Năm 1970, nghệ sĩ Trần Kích lần đầu tiên đi biểu diễn ở nước ngoài cùng đoàn Ba Vũ tại hội chợ Osaka (Nhật Bản).
Năm 1977, được nhận bằng khen của đại hội ca nhạc Huế lần thứ nhất tổ chức tại Huế.
Năm 1991, được UBND tỉnh Bình Trị Thiên tặng bằng khen vì thành tích bảo tồn, phát huy bộ môn âm nhạc dân tộc.
Năm 1995, biểu diễn âm nhạc cung đình tại Pháp và Thuỵ Sĩ.
Năm 1999, biểu diễn âm nhạc cung đình tại Hà Lan và Bỉ. Năm 2000, được Bộ Văn hoá Thông tin tặng Huy chương chiến sĩ văn hoá.
Năm 2002, biểu diễn âm nhạc cung đình tại Pháp (tháng 5-2002), tại Luxembourg (tháng 10-2002).
Đặc biệt, năm 2003, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ Nhân Dân Gian Việt Nam cho nghệ sĩ Trần Kich (đợt đầu tiên trong số 20 nghệ nhân dân gian của cả nước).
Năm 2007, Nhà nước phong tặng ông là Nghệ sĩ ưu tú