DetailController

Văn hóa

Một số nội dung về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong Nghị quyết số 33-NQ/TW

30/07/2015 00:00

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết quan trọng - Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết đã đánh giá những thành tựu, hạn chế, chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới với các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.

So với Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, tên của Nghị quyết số 33-NQ/TW có sự thay đổi: Từ Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đến Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Quan điểm của Đảng ta phát triển văn hoá mục đích vì sự hoàn thiện nhân cách con người, và xây dựng con người để phát triển văn hoá. Trong xây dựng văn hoá, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Tên gọi của Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vừa kế thừa được nội hàm của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, vừa nêu được vấn đề mới mà Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm - nhân tố con người và sự phát triển bền vững đất nước.

Nói về văn hóa cũng là nói về con người, vì văn hóa là của con người, do con người và vì con người. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý hiểu sai lệch, coi văn hóa là những công việc, những hoạt động trên lĩnh vực văn hóa (như múa hát, biểu diễn, lễ hội,…), không tập trung cho mục tiêu trọng tâm, cốt lõi là xây dựng con người. Chính vì vậy, khác với Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI có thêm một quan điểm khẳng định vấn đề trọng tâm, cốt lõi của xây dựng văn hóa là xây dựng con người. Trong đó tập trung: 1- Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. 2- Mục đích của các hoạt động văn hoá, giáo dục, khoa học là hướng vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; bồi dưỡng, nâng cao tri thức, năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế. 3- Xây dựng và phát huy lối sống tốt đẹp, có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; nhân rộng các giá trị nhân văn; đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, các hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến xây dựng nền văn hoá, xây dựng con người.

Sự thay đổi tên gọi thể hiện nhận thức mới về lý luận từ thực tiễn Việt Nam, đi vào chiều sâu nội dung văn hóa, là sự cảnh tỉnh trước những biểu hiện vô văn hóa, phản văn hóa trong xã hội hiện nay.

Về Mục tiêu của Nghị quyết số 33-NQ/TW: Trong quá trình tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, cần xác định Mục tiêu trước, sau đó mới đề ra quan điểm chỉ đạo thực hiện mục tiêu. So với Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 33-NQ/TW xác định rõ mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và con người. Mục tiêu chung ngắn gọn, có tính khái quát cao, thể hiện tư tưởng nêu trong Cương lĩnh của Đảng về xây dựng, phát triển “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” gắn với mục tiêu phát triển con người, phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Về Quan điểm của Nghị quyết: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, bối cảnh quốc tế và đất nước có nhiều biến đổi. 5 quan điểm nêu trong Nghị quyết về cơ bản vẫn còn giá trị. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung, phát triển và sắp xếp lại cho phù hợp hơn với giai đoạn mới, nhất là về vấn đề con người. Quan điểm 1 trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII xác định vị trí của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; vai trò của văn hóa là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội lần thứ IX, X, XI của Đảng xác định quan điểm phát triển bền vững và đặt yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với kinh tế, chính trị. Tiếp thu quan điểm trên, Nghị quyết số 33-NQ/TW thay cụ từ “phát triển kinh tế - xã hội” bằng cụ từ “phát triển bền vững đất nước”, và đưa thêm nội dung “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” để thống nhất nhận thức trong tổ chức thực hiện.

Quan điểm 2 nói về tính tiên tiến và tính dân tộc. Quan điểm 3 nói về tính thống nhất, tính đa dạng của văn hóa Việt Nam. Hai quan điểm này gộp làm một và bổ sung làm rõ đặc trưng “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng. Quan điểm 4 xác định lực lượng, vai trò của các chủ thể trong xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa. Nghị quyết số 33-NQ/TW bổ sung thêm vai trò của Nhà nước và Nhân dân. Quan điểm 5 nói về cách thức tiến hành, phương châm hành động, xử lý vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa trong thực tiễn được đưa vào nội dung, nhiệm vụ và giải pháp.

Như vậy, 5 quan điểm trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII được tổng hợp thành 3 quan điểm. Nghị quyết số 33-NQ/TW bổ sung thêm 2 quan điểm để chỉ đạo xây dựng con người, đặc biệt là xây dựng nhân cách, lối sống, chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa, con người trong tương quan với kinh tế.

Về Nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết: Từ 10 nhiệm vụ trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương đề xuất 6 nhiệm vụ. Do vị trí quan trọng của GD-ĐT, KH-CN, Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nên Nghị quyết số 33-NQ/TW không đề cập đến hai lĩnh vực này như trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII. Xuyên suốt các nhiệm vụ của Nghị quyết là xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam. Với cách tiếp cận đặt văn hóa trong mối quan hệ với kinh tế, chính trị, và vấn đề mới xuất hiện trong xã hội, Nghị quyết số 33-NQ/TW xác định 2 nhiệm vụ mới là: 1- Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. 2- Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; từ đó, tạo điểm nhấn trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong từng nhiệm vụ cụ thể cũng nêu nhiều vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, con người hiện nay, như xây dựng nhân cách, lối sống, con người với môi trường, quản lý thông tin truyền thông, quyền tác giả và các quyền liên quan, quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ, xây dựng lý luận văn học, nghệ thuật.

Đảng ta xác định: “Phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa” là một nhiệm vụ quan trọng. Nghị quyết 33-NQ/TW đã đưa vào cụm từ “hệ giá trị”: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Hệ giá trị được tạo nên từ sự phát triển chiều sâu của văn hóa. Muốn xây dựng con người văn hóa, cần phải tạo nên các hệ giá trị. Do đó, chúng ta cần tìm những giải pháp khắc phục hạn chế của con người Việt Nam.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII quan niệm: “Văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển”. Nghị quyết số 33-NQ/TW diễn đạt lại như sau: “Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng đặc biệt của văn hóa đối với sự phát triển đất nước; “sức mạnh nội sinh” này, chính là sức mạnh của lịch sử.

Về các nhóm Giải pháp: Nghị quyết 33-NQ/TW đề xuất 4 nhóm giải pháp, trong đó có 2 nhóm giải pháp mới: Nhóm giải pháp thứ nhất và thứ 3.

Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém trong xây dựng và phát triển văn hóa nước ta có nguyên nhân sâu xa từ nhận thức chưa sâu sắc, đầy đủ về vai trò, vị trí, đặc trưng của văn hóa, văn học, nghệ thuật, nên cần thiết phải nhấn mạnh việc không ngừng nâng cao nhận thức, tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa, coi đó là khâu đột phá, thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, để thực hiện các nhiệm vụ văn hóa trong tình hình mới. Thực tiễn cho thấy, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, việc xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ đạo, quản lý, tham mưu văn hóa ở các cấp chưa đạt kết quả như mong muốn, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ văn hóa. Để giải quyết vấn đề này, cần có giải pháp tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.