DetailController

Văn hóa

Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư về ″chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội″

30/10/2015 00:00
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010, của Ban Bí thư về “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, công tác đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt nhiều kết quả quan trọng.

       Tỉnh ủy Hòa Bình đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh hoạt động chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội. Do đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chống văn hóa phẩm độc hại được nâng cao; các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng bảo tồn, phát huy, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.

Hàng năm, Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, trong đó quan tâm bồi dưỡng chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác văn hoá ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn Thanh niên đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là tổ chức các trại hè tại Trung tâm Thanh thiếu niên của tỉnh; bằng nhiều biện pháp, kiên quyết bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nhà trường và thế hệ trẻ. Cùng với thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng quy ước, hương ước làng bản, từ đó nâng cao ý thức tự giác của các thành viên trong gia đình với việc bài xích, tẩy chay, loại bỏ hủ tục, các sản phẩm văn hóa độc hại trái thuần phong mỹ tục dân tộc. Công tác xây dựng các đề án, đề xuất các chủ trương, giải pháp phát triển văn hóa, nghệ thuật của tỉnh được chú trọng. Công tác quản lý nhà nước, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách - đặc biệt là cơ chế, chính sách về giải thưởng cho các công trình văn hoá, tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc được quan tâm.

Là một tỉnh miền núi có vùng giáp ranh với nhiều tỉnh, địa hình chia cắt, dân cư phân bố không đều, đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn, tệ nạn xã hội vẫn còn diễn ra phức tạp ở một số địa phương trong tỉnh, các thế lực thù địch không ngừng tăng cường truyền bá các sản phẩm văn hóa độc hại, lối sống hưởng thụ, làm phai nhạt lý tưởng của bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc,... Xác định rõ điều đó, những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập và Ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ 94 tập trung chỉ đạo công tác phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; với tên gọi Ban Chỉ đạo đấu tranh chống âm mưu, hoạt động ″diễn biến hòa bình″ trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.

Cùng với hoạt động của Ban Chỉ đạo 94, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đảng ủy Công an tỉnh đã xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về công tác bảo vệ cơ quan, nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch trên địa bàn. Hàng năm, Đảng ủy Công an tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, các đơn vị thực hiện tốt công tác điều tra, nắm tình hình, đánh giá toàn diện những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, văn hóa, xã hội. Từ năm 2010 đến nay, đã thực hiện kiểm tra hành chính trên 1.000 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan đến lĩnh vực văn hóa, phát hiện và thu giữ hơn 7.000 bộ đĩa phim, ca nhạc sân khấu  không tem nhãn, vi phạm bản quyền tác giả.

Những năm gần đây, do có sự chấn chỉnh về công tác quản lý, sự phối hợp giữa các ngành chức năng được tăng cường, nên các hoạt động lễ hội đã đi vào nề nếp, nhất là khâu tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa trong lễ hội. Năm 2015, sau thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thành phố, các ban quản lý di tích,... phối hợp với Công an tỉnh thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý hoạt động lễ hội và đảm bảo an ninh trật tự tại 11/11 huyện, thành phố. Qua kiểm tra tại một số địa phương, nhìn chung các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra an toàn, đảm bảo đúng Pháp lệnh Tín ngưỡng - tôn giáo, không có việc lợi dụng hoạt động lễ hội để truyền đạo trái phép, thực hành mê tín dị đoan,... Tuy nhiên, ở một số lễ hội vẫn còn có hoạt động vi phạm như: xem bói, treo biển quảng cáo xem tướng số, việc đổi tiền lẻ, bán băng đĩa không có tem nhãn.... Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, nhắc nhở và yêu cầu rút kinh nghiệm đối với một số trường hợp vi phạm; đồng thời, quán triệt các địa phương trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích, đảm bảo theo quy định, không sử dung những hiện vật, linh vật du nhập từ nước ngoài tại các đình, đền, chùa,... trái với phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, thực tế cuộc sống nảy sinh nhiều vấn đề mới và phức tạp; báo chí, truyền thông, xuất bản có tác động rất lớn đối với đời sống nhân dân các dân tộc. Vì vậy, hoạt động báo chí, truyền thông của tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng các tin, bài, phóng sự - chú trọng những tin bài có tính chất phát hiện, phê phán, góp phần định hướng dư luận xã hội, giáo dục, định hướng, nâng cao trình độ thẩm mỹ, thị hiếu, lý tưởng và tình cảm thẩm mỹ cho nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm, bài viết về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc thi Gương Người tốt việc tốt tỉnh Hòa Bình,... Các cuộc thi được đông đảo tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng; cùng với phát hiện, biểu dương và nhân rộng những gương điển hình, các tác giả, tác phẩm đã góp phần gìn giữ phẩm chất đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, xây dựng gia đình văn hóa,... góp phần đẩy lùi các sản phẩm văn hóa độc hại trong cộng đồng các dân tộc.

Công tác quản lý nhập khẩu, công bố, giới thiệu, truyền bá các sản phẩm văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các cơ sở dịch vụ văn hóa được tỉnh đặc biệt chú trọng. Việc cấp giấy phép xuất bản các ấn phẩm có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, đảm bảo các bước thẩm định, xem xét trước khi cho phép in ấn, xuất bản. Đồng thời, động viên, khích lệ các văn nghệ sỹ sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị, mang đậm bản sắc văn hóa, con người Hòa Bình; tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong khu vực và thế giới.

Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhận thức rõ tầm quan trọng về xây dựng môi trường văn hóa trong thời kỳ mới; tích cực đấu tranh, phòng chống, đẩy lùi các sản phẩm độc hại, ảnh hưởng xấu tới nhân cách và phát triển xã hội. Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW gắn với thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về văn hóa, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.