DetailController

Văn hóa

Kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/2/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội

16/06/2020 00:00
Thời gian gần đây, lễ hội được xem là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, làm giàu và phát huy giá trị nền văn hóa dân tộc. Việc phục dựng các lễ hội được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm.
Gầu tào - Lễ hội văn hóa dân gian độc đáo của đồng bào người Mông được tổ chức hàng năm góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Tỉnh Hòa Bình là một vùng đất có nhiều lễ hội dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa bản địa, đặc trưng của các cộng đồng tộc người gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội của các cộng đồng dân cư. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm địa điểm tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân, trong đó có gần 40 lễ hội lớn đang được bảo tồn và tổ chức. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/2/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, công tác quản lý nhà nước về di tích đã được quan tâm, có sự đầu tư hỗ trợ ngân sách về công tác tu bổ, tôn tạo, đồng thời có sự ủng hộ của nhân dân, phong trào xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phục dựng, duy trì và nâng cấp quy mô một số lễ hội tại di tích trong tỉnh đã được bảo tồn và phát huy, điển hình như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi; Lễ hội Chùa Tiên - Lạc Thủy; Lễ hội Đền Bờ - Cao Phong + Đà Bắc; Lễ hội Rước Bụt và Lễ hội Đình Cổi - Lạc Sơn,... Các lễ hội đến nay vẫn còn được bảo tồn, phát triển và phát huy tốt giá trị, góp phần không nhỏ vào việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, phục vụ cho việc phát triển du lịch. Đến nay có 19/68 di tích được xếp hạng gắn công tác quản lý, bảo vệ phát huy giá trị với hoạt động tổ chức lễ hội.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo việc tổ chức lễ hội trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, phù hợp với thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Quán triệt cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, phê bình và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Công tác phát triển, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, các công trình nghệ thuật gắn với thu hút đầu tư và du lịch từng bước được đẩy mạnh; đồng thời, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước phục vụ phát triển văn hóa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 41 di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia; 52 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và hàng chục lễ hội truyền thống. Nhiều Di tích có giá trị như: Quần thể di tích xã Cao Răm, huyện Lương Sơn; Hang xóm Trại, huyện Lạc Sơn; Địa điểm huấn luyện chính trị Đại hội II Đảng nhân dân cách mạng Lào; Đền Niệm, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy; quần thể di tích Chùa Tiên, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy...

Từ khi thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW đến nay, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào hoạt động nền nếp, phát huy hiệu quả. Các tầng lớp nhân dân đã nâng cao nhận thức về thực hiện nếp sống văn hoá, thực hành tiết kiệm, bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Phong trào xây dựng nếp sống văn hoá được phát động rộng rãi, tác động vào ý thức tự giác, nêu cao vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn về nếp sống văn minh, gia đình văn hoá. Các nghi thức trong việc cưới, việc tang, lễ hội được tổ chức phù hợp với văn hóa truyền thống và quy định của pháp luật, theo quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư, đảm bảo thực hiện nếp sống tiết kiệm, văn minh. Bản sắc, giá trị truyền thống, đặc trưng văn hoá dân tộc càng được giữ gìn, phát huy, góp phần tạo nên sự thống nhất trong đa dạng về văn hoá là nền tảng xây dựng xã hội, con người thời kỳ mới có đầy đủ tri thức, lòng tự tôn dân tộc, tự tin tham gia thúc đẩy sự tiến bộ, văn minh, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Công tác quảng bá di tích, lễ hội dưới nhiều hình thức đạt kết quả tích cực, thu hút ngày càng đông du khách. Cơ sở hạ tầng, đường giao thông được quan tâm đầu tư bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách, thiết chế văn hoá của di tích và lễ hội từng bước được bổ sung. Di tích đã có sự đầu tư tôn tạo, tu sửa xây dựng cảnh quan môi trường sạch đẹp, thuận tiện cho du khách tham quan, chiêm ngưỡng. Năm 2019, tỉnh Hòa Bình đón 3,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế hơn 400.000 người, doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng.

Công tác kiểm tra, thanh tra được thực hiện trước, trong và sau các kỳ lễ hội nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, trái quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công tác giữ gìn, bảo vệ các di tích, danh lam thắng cảnh, cảnh quan môi trường tại lễ hội trên địa bàn tỉnh luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thường xuyên chỉ đạo sát sao. Hằng năm, vào mỗi dịp tổ chức lễ hội, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng xây dựng kế hoạch chi tiết, lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho du khách và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Công tác vệ sinh, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hàng hóa được bố trí hợp lý, xa khu di tích, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường./.