DetailController

Văn hóa

Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/6/2017 về phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia

07/10/2022 00:00
Ngày 28/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kết luận số 800-KL/TU sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/6/2017 về phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia.

Kết luận nêu rõ, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong Khu du lịch hồ Hòa Bình được nâng lên, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc. Đến nay, Khu du lịch hồ Hòa Bình đạt 3/5 tiêu chí của Khu du lịch quốc gia. Tổng thu từ hoạt động du lịch có mức tăng trưởng tốt. Du lịch khu vực hồ Hòa Bình đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Cơ sở hạ tầng du lịch còn khó khăn; chất lượng các bến thuyền du lịch chưa cao; không gian phát triển của Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình chưa có sự gắn kết với các khu dân cư, cơ sở sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, môi trường..; chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển du lịch...

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 14-NQ/TU, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như sau: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 14-NQ/TU đã đề ra đó là: Lập và triển khai các quy hoạch phân khu chức năng trên Khu du lịch hồ Hòa Bình để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thu hút đầu tư phát triển du lịch; huy động nguồn lực từ các cấp, các ngành đầu tư xây dựng quản lý khu du lịch theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo công tác quốc phòng, an an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn cho khu du lịch… Đến năm 2025 cơ bản để đạt các tiêu chí trở thành Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, trở thành Khu du lịch quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, phong phú, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc; trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Hoà Bình, là một trong 12 khu du lịch trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là tìm hiểu trải nghiệm văn hoá Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ Hoà Bình. Đồng thời đảm bảo thực hiện đầy đủ quan điểm, định hướng phát triển du lịch tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và Đề án số 08-ĐA/TU ngày 01/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021-2025”.

Tiếp tục ưu tiên và lồng ghép nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống đường giao thông và các bến cảng, bến thuyền kết nối các điểm du lịch; thu hút các nguồn vốn hỗ trợ chính thức nước ngoài (ODA), nguồn vốn tổ chức phi Chính phủ (NGO) và các nguồn xã hội hóa để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch.

Đẩy mạnh công tác thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch đạt chuẩn từ 3 sao trở lên với các dịch vụ vui chơi giải trí nghỉ dưỡng chất lượng cao, đảm bảo đến 2025 có đủ số lượng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4 sao theo quy định để đủ điều kiện quy định về Khu du lịch quốc gia; tiếp tục phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng và tạo nhiều sản phẩm dịch vụ bổ trợ cho khách du lịch để tạo việc làm và mang lại nguồn thu cho người dân địa phương.

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển du lịch; tạo điều kiện hỗ trợ cho nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư du lịch; hỗ trợ công tác giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…; tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án; xử lý nghiêm các dự án triển khai chậm hoặc không triển khai đã được cấp phép theo quy định của pháp luật; xử lý, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại đối với cơ sở du lịch và cơ sở thờ tự để đưa vào quản lý theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và số hóa trong đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai có hiệu quả Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh, trang quảng bá Khu du lịch hồ Hòa Bình và các trang Web của các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan… để quảng bá cho Khu du lịch hồ Hòa Bình.

Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh công tác đào tạo chất lượng nguồn nhân lực phục du lịch. Tăng cường công tác hợp tác, liên kết phát triển du lịch kết nối với các tỉnh và khu vực để thúc đẩy du lịch phát triển.

Tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân và cộng đồng trong việc gìn giữ phong tục tập quán truyền thống, bảo vệ tài nguyên môi trường và hỗ trợ người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch, đặc biệt là hoạt động du lịch cộng đồng để góp phần thúc đẩy du lịch phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc./.