Tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ủy viên BTV Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo BTC Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Sở VH-TT&DL, Sở TT-TT, Báo Hòa Bình; Đài PT&TH tỉnh; Báo cáo viên của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng nêu rõ Hội nghị Trung ương 9 diễn ra từ ngày 9/5 – 14/5, hội nghị đã thảo luận, bàn bạc, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung quan trọng. Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) là một trong những hội nghị đặc biệt quan trọng. Những nội dung được hội nghị thông qua vừa là những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, vừa là những vấn đề mang tính cấp bách, trước mắt. Để Nghị quyết Trung ương đi vào cuộc sống, hội nghị nghiên cứu, quán triệt này là bước triển khai có ý nghĩa hết sức cần thiết, nhằm thống nhất và nâng cao nhận thức, biến thành quyết tâm hành động để tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết.
Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị: các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị từ T.Ư đến địa phương cần quán triệt sâu sắc và thống nhất cao trong nhận thức về sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung Nghị quyết và các chủ trương của Hội nghị T.Ư9 (khóa XI) để triển khai thực hiện tốt. Phải gắn việc nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện những nội dung của văn kiện hội nghị, nhất là Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và các chủ trương khác với công tác tuyên truyền để tạo ra sự chuyển biến căn bản về nhận thức và thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước một số vấn đề thời sự bức xúc và cấp bách như vấn đề biển Đông; vấn đề phòng - chống tham nhũng, lãng phí; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, trong xã hội, trong lợi ích nhóm; vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên, công chức.
Đối với việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) về văn hóa, đồng chí đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cần có nhận thức đầy đủ và sâu sắc về các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp mà T.Ư đã thống nhất. Từ đó soi vào thực tiễn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình công tác để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thiết thực làm cho Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.
Tại hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đã quán triệt, giới thiệu những nội dung quan trọng của Nghị quyết Hội nghị T.Ư 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đồng chí nhấn mạnh: sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết trong bối cảnh đất nước ta và thế giới đang có nhiều thay đổi, đặc biệt nước ta đang hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa và sự bùng nổ các phương tiện thông tin truyền thông, mạng internet đã tác động to lớn, sâu sắc đến nhiều lĩnh vực. Cùng với đó, bên cạnh những ưu điểm, thành tựu cơ bản trước sự phát triển của đất nước thì thực trạng văn hóa nước ta cũng xuất hiện một số mặt phức tạp, bức xúc, đang suy thoái nghiêm trọng, nhất là về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các sản phẩm, dịch vụ độc hại. Trước tình hình đó, đòi hỏi phải có những quan điểm chỉ đạo và chủ trương, giải pháp mới về xây dựng nền văn hóa, xây dựng con người.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cũng đánh giá những nội dung cơ bản về tình hình 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về văn hóa; quán triệt mục tiêu, quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới. Về nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới được tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đồng chí Đinh Thế Huynh đã chỉ rõ 4 nhóm giải pháp trọng tâm là: tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; tăng cường nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Ban Tổ chức T.Ư đã quán triệt, triển khai một số chủ trương về xây dựng Đảng và chuẩn bị tiến tới Đại hội XII của Đảng. Trong đó, tập trung vào các nội dung: quy chế bầu cử trong Đảng; về lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên là lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; về định hướng chỉ đạo Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, UV Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đã giải đáp những vấn đề các đại biểu đề cập, đồng thời tổng hợp, phân tích, làm rõ thêm một số nội dung quan trọng tại hội nghị. Đối với Nghị quyết T.Ư 9 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đồng chí yêu cầu: các Tỉnh uỷ, Thành uỷ, tổ chức Đảng cần tổ chức quán triệt, nghiên cứu một cách nghiêm túc, sâu rộng trong toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Cần xây dựng chương trình hành động cụ thể, bám sát nội dung của Nghị quyết nhưng phải phù hợp với điều kiện địa phương; giao trách nhiệm và thời hạn cụ thể để thực hiện. Trong xây dựng văn kiện của Đại hội Đảng các cấp, cần đưa nội dung về xây dựng phát triển văn hoá, con người làm một trong những nội dung quan trọng. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết và tổ chức thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Bên cạnh đó, cần kịp thời thể chế hoá một cách đồng bộ các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng văn hoá, con người thành hệ thống các văn bản pháp quy; phải cụ thể hoá, thể chế hoá rõ ràng chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển văn hoá, đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện vấn đề văn hoá./.