DetailController

Văn hóa

Hòa Bình đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng.

09/07/2013 00:00

Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của tổ quốc, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, tỉnh Hoà Bình có “Nền văn hoá Hòa Bình” nổi tiếng trong nước và thế giới, là cái nôi của người Việt cổ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 295 địa chỉ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có 125 di tích các loại đủ tiêu chí lập hồ sơ xếp hạng, toàn tỉnh hiện có 45 di tích cấp quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh và 30 lễ hội cộng đồng dân tộc.

Hồ Hòa Bình

 Mảnh đất này là nơi sinh sống chan hoà giữa các dân tộc: Mường, Kinh, Thái,Tày, Dao, Mông, Hoa... Mỗi dân tộc có những nét bản sắc riêng, đặc trưng chính những yếu tố đó đã tạo nên bức tranh nhiều mầu sắc trong một thể thống nhất văn hóa của Hòa Bình.Trong đó dân tộc Mường là cư dân bản địa sinh sống lâu đời, mang trong mình nhiều bí ẩn về một nền văn hoá lớn – Văn hoá Mường, cùng bốn vùng Mường trù phú, tấp nập - được coi là trung tâm của đất Mường Hoà Bình – trong câu nói Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động. Đặc sắc, sinh động và tiêu biểu được đúc kết và lưu giữ trong: Văn hoá Cồng chiêng, các sử thi, văn hoá ẩm thực, kiến trúc nhà ở, nghệ thuật dân gian Mường ...

Với những tiềm năng tự nhiên và nhân văn phong phú, những năm gần đây phát triển du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đang tích cực phối hợp với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình, sự kiện du lịch nằm trong nội dung Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong vùng và trên cả nước. Ngoài ra, tỉnh đã huy động có hiệu quả các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch, bước đầu khai thác được thế mạnh, tiềm năng tạo được những sản phẩm du lịch mới, chất lượng dịch vụ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, sự phối hợp giữa các huyện và thành phố được củng cố chặt chẽ thể hiện rõ tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, sản phẩm du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập tạo sức mạnh cho du lịch của tỉnh. Hiện tại tỉnh Hòa Bình đang kêu gọi đầu tư vào 2 dự án: “Du lịch sinh thái vùng Hồ Hòa Bình” và “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững, có trách nhiệm tại xóm Ải” nhằm bảo tồn, phát triển các điểm du lịch sẵn có đồng thời nâng cao đời sống cho người dân.

Dự án : “Du lịch sinh thái Vùng Hồ Hòa Bình”

 Được hình thành từ việc đắp đập ngăn sông, chinh phục thiên nhiên và trở thành một kỳ tích của nhân dân Việt nam ở thế kỷ XX. Khu vực vùng hồ Hoà Bình trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 4 huyện và 1 thành phố, gồm: thành phố Hòa Bình, huyện Cao Phong, huyện Tân Lạc, huyện Mai Châu và huyện Đà Bắc. Với tổng diện tích vùng Hồ 2.249km2, trong đó diện tích rừng là 13.292 ha (rừng nguyên thủy, tái sinh, trồng mới); diện tích mặt nước chiếm hơn 8.000 ha; tổng diện tích Khu du lịch Hồ Hòa Bình 522 km2. Với lòng hồ rộng lớn, núi non trùng điệp, mây trắng bồng bềnh và hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một ”Hạ long nổi trên núi”, hai bên bờ thấp thoáng ẩn hiện những bản Mường, Thái, Dao... còn nguyên bản sắc. Khách thăm quan được trải nghiệm làm rược cần và món ăn dân tộc đặc biệt, làm các sản phẩm hàng thủ công truyền thống, lưu niệm, làm ruộng, trồng rau, trồng rừng, được thử sức với thể thao mạo hiểm bằng thuyền, bè mảng  với các hoạt động, thi bơi lội, chèo thuyền. Ngược dòng sông Đà, du khách có thể thăm điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Đền Thác Bờ và Động Thác Bờ.

Nhìn toàn cảnh Hồ Hòa Bình, có địa hình phong phú, đa dạng, bị che cắt bởi nhiều ngòi, khe, suối. Độ dốc bình quân 30º, độ che phủ bình quân 30%. Trong hồ có 47 đảo lớn nhỏ trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116ha và 36 đảo núi đất diện tích 157,5ha. Phong cảnh sơn thủy hữu tình, hai bên bờ hồ là những cánh rừng núi ngút ngàn, thơ mộng, hấp dẫn du khách

Tỉnh đã tập trung quáng bá tiềm năng phát triển du lịch khu vực Hồ Hòa Bình thông qua việc xây dựng đề án và được Chính Phủ xác định là khu vực tiềm năng trở thành trọng điểm du lịch Quốc gia trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (tại Quyết điịnh số 2473/QĐ-TTg, ngày 30/12/2011 của Thủ Tướng Chính Phủ). Theo ước tính đến năm 2015 có khoảng 450 ngàn lượt khách tới thăm quan, trong đó có khoảng 60 ngàn lượt khách quốc tế.

2. Dự án: “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững, có trách nhiệm tại xóm Ải”  Xóm Ải nằm trong địa phận huyện Tân Lạc, thuộc vùng giữa tỉnh Hòa Bình, là huyện miền núi có 2 tuyến quốc lộ đi qua. Nơi đây có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn nổi tiếng – văn hóa Mường, là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng. Bên cạnh tài nguyên du lịch nhân văn, Tân Lạc có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú độc đáo, cảnh quan môi trường sinh thái, được gìn giữ, nhiều núi đá hang động, thác nước nằm trong tuyến du lịch lòng hồ Hòa Bình đẹp và hẫn dẫn.

Nhà sàn xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc.

 Xóm Ải, xã Phong Phú  là một làng Mường cổ tiêu biểu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư bảo tồn “Làng truyền thống” theo Chương trình mục tiêu Quốc gia. Xóm Ải có thể đáp ứng nhiều loại hình du lịch phù hợp như: Nghiên cứu, thưởng thức văn hóa bản địa, trải nghiệm hòa mình vào đời sống, phong tục tập quán của người dân, nghỉ tại các nhà sàn nơi lưu giữ những nét kiến trúc truyền thống đặc trưng của người Mường Cổ. Xóm Ải đẹp thơ mộng với hình ảnh những nếp nhà sàn nằm rải rác men theo sườn những ngọn đồi thấp. Dưới chân đồi là những cánh đồng lúa nước, những nương ngô trải dài. Đan xen giữa khung cảnh đó là dòng suối Ải hiền hòa, quanh năm róc rách và những người phụ nữ Mường siêng năng, cần mẫn trong lao động sản xuất cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đến xóm Ải, du khách không những được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên thơ mộng mà còn có dịp tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường như: kiến trúc nhà ở; trang phục; làn điệu dân ca, dân vũ (hát ru, hát đồng dao, hát đập hoa, hát đối, múa mơi, múa quạt, múa sạp,…); các lễ hội (cồng chiêng, mừng cơm mới, khai hạ, rửa lá lúa); các trò chơi dân gian (ném còn, chằm chỉ, chằm chăn, đánh mảng,…); các món ẩm thực (cà trộn cá muối chua; rau cải muối chua; đu đủ trộn tép muối chua; thịt trâu, bò nấu với lá lồm, lá bểu; cá đồng nấu cùng lá chau khao; măng chua xào cùng cá, thịt gà, vịt; thịt trâu kho cùng nước măng chua,…). Hiện tại xóm Ải đã phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng được nhà văn hóa bản, địa điểm rộng thuận lợi cho đỗ xe, các hoạt động công cộng ngoài trời. Với bản sắc văn hóa riêng biệt cùng hình thức làm du lịch cộng đồng chuyên nghiệp, xóm Ải là điểm dừng chân hứa hẹn mang lại nhiều điều thú vị cho du khách.