Thông qua phong trào thi đua động viên đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên năng động, sáng tạo, hăng hái thi đua “dạy tốt”, “học tốt”, nghiên cứu khoa học và công tác tốt, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý vững mạnh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022-2023, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Phát hiện các nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên nâng cao chất lượng đợt thi đua yêu nước của ngành giáo dục trong giai đoạn mới.
Đợt thi đua được phát động đến các đối tượng là: Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên thuộc ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình; Các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; các trường mầm non, phổ thông; các đơn vị, trường học trực thuộc; các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Đối với tập thể, nội dung thi đua gồm có: Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tạo sự chuyển biến tích cực về rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường giáo dục đạo đức, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, ý thức trách nhiệm công dân cho học sinh, sinh viên.
Tiếp tục quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Xây dựng văn hóa học đường theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới: Tập trung thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; quan tâm chăm lo công tác giáo dục, đào tạo đối với vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp; tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” ngành Giáo dục giai đoạn 2020 – 2025; phong trào thi đua “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2022-2025”; đẩy mạnh thực hiện nội dung “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Thực hiện có hiệu quả đợt thi đua “Dạy tốt, học tốt” hướng đến chủ đề năm học 2022-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, phấn đấu lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt nam (20/11/1982-20/11/2022).
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử trong ngành giáo dục, nhất là trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Triển khai xây dựng kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành. Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ Giáo dục và Đào tạo, triển khai Đề án số 04-ĐA/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2025”.
Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, cuộc thi học sinh giỏi các cấp. Tăng cường các hoạt động chăm lo và tự chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, đền ơn đáp nghĩa cho nhà giáo, người lao động, học sinh và sinh viên. Tổ chức các hoạt động tri ân, khen thưởng và khánh thành các công trình nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Kịp thời phát hiện những nhân tố mới, mô hình mới để tuyên truyền, nhân rộng các tập thể tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên, góp phần thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của ngành giáo dục trong giai đoạn mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, kịp thời và có tác dụng cao. Tổ chức tôn vinh, khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, tạo động lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị tại mỗi cơ quan, đơn vị, trường học; quan tâm khen thưởng các tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp, giáo viên ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Đối với cá nhân: Cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, người lao động trong toàn ngành phải là những tấm gương sáng về đạo đức, tự học tập, rèn luyện; có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, giáo dục, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Học sinh, sinh viên có ý thức chủ động, tích cực, sáng tạo vượt khó vươn lên trong học tập, rèn luyện và khởi nghiệp; có ý thức về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có hành vi, nghĩa cử cao đẹp khi gặp các trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn trong cuộc sống; tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện vì cộng đồng./.