DetailController

Giáo dục

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

06/12/2010 00:00
GD& ĐT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đây chính là quan điểm xã hội hoá giáo dục, thể hiện trên hai mặt toàn dân học tập và toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục, toàn dân làm giáo dục và xây dựng một xã hội học tập. Mọi người đều được học tập suốt đời, có sự phối hợp của nhiều ngành, cơ quan, đoàn thể cùng tham gia; tích cực đóng góp trí tuệ và nhân tài, vật lực cho GD&ĐT. Phát triển GD&ĐT phải gắn với nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, đất nước.
Trường THPT Công Nghiệp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu học tập của học sinh.

 

Chính vì vậy, GD&ĐT phát triển phải gắn cả về quy mô phát triển, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo. Tư tưởng này đảm bảo cho GD&ĐT thực sự có chất lượng, hiệu quả. Các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh phải coi trọng và đặt đúng vị trí của GD&ĐT. Ngược lại, GD&ĐT phải phục vụ các chương trình KT-XH có chất lượng. Phải thực hiện công bằng xã hội trong GD&ĐT. Định hướng này được thể hiện trước hết ở việc tạo điều kiện để mọi người đều được học hành. Thực hiện đa dạng hoá các loại hình giáo dục, trong đó, trường công lập giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục quốc dân; mở rộng các hình thức đào tạo.
 
Những định hướng chiến lược đó sẽ góp phần quan trọng trong phát triển quy mô đào tạo ở tất cả các cấp học một cách hợp lý bằng nhiều hình thức đa dạng, trong đó, đặc biệt phát triển mạnh giáo dục phổ thông đáp ứng trình độ nâng cao dân trí và giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho tỉnh. Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về quy mô và chất lượng GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong 5 năm tới, toàn ngành GD&ĐT tập trung giải quyết các nội dung: tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục phát triển; tập trung xây dựng đội ngũ Nhà giáo và CBQLGD các cấp, tạo động lực cho người dạy, người học, nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường học; tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, hiệu quả đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất trường lớp.
 
Tỉnh ta đang đẩy nhanh tốc độ phát triển về công nghiệp, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nhất là lao động có trình độ chất lượng cao đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết và phải đi trước một bước. Trong những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực đã có chuyển biến tích cực, đáp ứng một phần quan trọng nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, so với nhu cầu của sự phát triển mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ở tỉnh thực tế còn bất cập. Đó là việc đào tạo nhân lực của các trường và cơ sở đào tạo chưa thực sự thích hợp với quá trình phát triển của KT-XH trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thay đổi hoặc chưa thay đổi nội dung đào tạo phù hợp. Chương trình và nội dung đào tạo chưa thực sự gắn với thực tế sản xuất hoặc chưa phù hợp với nền kinh tế hiện tại. Phần lớn các trường đào tạo trên địa bàn hiện nay đều có quy mô tương đối nhỏ, số lượng đào tạo ít, chủ yếu là đào tạo ngắn hạn và chỉ đào tạo những nghề có trình độ kỹ thuật thông thường. Nguồn nhân lực được đào tạo trong những năm qua chủ yếu mới đáp ứng được nhu cầu tạm thời, trước mắt là thị trường lao động với hình thức ngắn hạn có trình độ đơn giản. Về nội dung đào tạo còn trùng lặp ngành nghề. Khả năng thực hành của các học viên còn yếu.
 
Để giải quyết những khó khăn, hạn chế trên, tỉnh cần xây dựng chiến lược kế hoạch hóa mục tiêu đào tạo nhân lực một cách đồng bộ, gắn đào tạo với sử dụng, khắc phục dần tình trạng mất cân đối hiện nay về đào tạo đại học, THCN, công nhân kỹ thuật. Nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo sự nghiệp GD&ĐT phát triển đáp ứng nhu cầu nhân lực của tỉnh. Trước hết, tỉnh cần có những kiến nghị bổ sung những chính sách phát triển cho hệ thống GD-ĐT, nhất là các chính sách về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, chính sách tăng cường đầu tư tài chính, con người cho việc đào tạo nguồn nhân lực. Mặt khác, cần thực hiện việc nâng cao chất lượng thực hiện quyền tự chủ về tài chính và đội ngũ CBGV đối với các trường CĐ, TCCN, trường dạy nghề để tạo điều kiện cho các trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm theo yêu cầu thị trường lao động. Về quản lý vĩ mô, cần có chế độ ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống trường và cơ sở đào tạo nhân lực kỹ thuật, tạo cơ chế mở, cải tiến thủ tục hành chính trong quyết định thành lập các trường và cơ sở đào tạo để thực hiện nhanh xây dựng hệ thống đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh cần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống đào tạo chuyên nghiệp. Có quy hoạch phát triển thêm mạng lưới các trường, cơ sở đào tạo từ nhiều nguồn lực khác. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa trong đào tạo nhằm huy động được nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển đào tạo, dạy nghề, kể cả nguồn lực từ nước ngoài. Tăng cường kinh phí đào tạo, nâng trình độ giáo viên, đào tạo lại số giáo viên chưa đạt chuẩn. Đối với giáo viên dạy nghề còn thiếu, cần tiếp tục bổ sung từ nhiều nguồn, trong đó, nguồn sinh viên đã tốt nghiệp khá, giỏi cần được tuyển dụng, tránh lãng phí nhân tài và chất xám. Có chính sách thu hút giáo viên nghề trình độ cao từ nơi khác đến. Quan tâm cử giáo viên đi đào tạo, nghiên cứu ở trong và ngoài nước bằng ngân sách Nhà nước.