Thực hiện Quyết định số 161-QĐ/BTGTU ngày 30/5/2023 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Đoàn Kiểm tra tiến hành kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) và Chỉ thị số 45- CT/TU ngày 28/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đối với Ban Thường vụ Huyện uỷ Lương Sơn. Sau khi xem xét báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn Kiểm tra đối với Ban Thường vụ Huyện uỷ Lương Sơn, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thông báo kết luận như sau:
Ưu điểm: Ban Thường vụ Huyện uỷ Lương Sơn đã chấp hành nghiêm túc quyết định, kế hoạch kiểm tra của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và yêu cầu của Đoàn Kiểm tra. Cung cấp tài liệu, văn bản và gửi báo cáo kịp thời, đầy đủ cho Đoàn Kiểm tra theo quy định.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Huyện uỷ Lương Sơn đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động; ban hành văn bản cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết.
10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô trường, lớp tiếp tục được sắp xếp, quy hoạch hợp lý; thực hiện việc sáp nhập các trường học trên địa bàn huyện phù hợp, đảm bảo kế hoạch (giảm 27 trường so với năm 2013). Tỷ lệ trẻ em đi học trong độ tuổi đạt chỉ tiêu theo kế hoạch của huyện. Giữ vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; nâng chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học từ mức độ 1 năm 2013 lên mức độ 3 năm 2022; nâng chuẩn phổ cập giáo dục THCS từ mức độ 2 năm 2013 lên mức độ 3 năm 2022; nâng chuẩn xoá mù chữ mức độ 1 năm 2013 lên mức độ 2 năm 2022, đạt mức cao nhất theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng 63,6% (từ 27,1% năm 2013 lên 90,7% năm 2023). Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học, cấp học từng bước được củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại theo hướng chuẩn hoá, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Công tác xã hội hoá giáo dục được quan tâm, tạo sự chuyển biến tích cực, thu hút các nguồn lực xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đối với việc đổi mới căn bản, toàn diện, phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện.
Ban Thường vụ Huyện uỷ Lương Sơn đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung Chỉ thị số 45-CT/TU đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn; ban hành các văn bản chỉ đạo sát với tình hình thực tế địa phương.
Triển khai, thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TU, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp, của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị được nâng lên. Việc bố trí, hỗ trợ kinh phí cho triển khai sưu tầm, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử Đảng bộ được cấp uỷ, chính quyền đặc biệt quan tâm. Các tài liệu lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả; các công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ của địa phương đảm bảo về chất lượng. Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống được triển khai thực hiện với nhiều hình thức. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư; đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống có nhiều cố gắng trong công tác tham mưu, triển khai, thực hiện. Kết quả công tác nghiên cứu biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng đã góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng và lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Từ những nội dung trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ yêu cầu:
Đối với Ban Thường vụ Huyện uỷ Lương Sơn: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị số 45-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; quan tâm bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, giáo dục lịch sử truyền thống cho thế trẻ.
Quán triệt quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Phát triển giáo dục và đào tạo là để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đảm bảo công bằng trong học tập. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển bền vững, ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đổi mới tư duy, tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.
Tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 29/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2023 - 2030. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học,... đảm bảo các điều kiện cơ bản để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giáo dục nghề nghiệp cho học sinh phân luồng, thanh niên, lao động nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng bộ. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử theo hướng ổn định lâu dài, sắp xếp cán bộ có chuyên môn làm công tác lịch sử Đảng. Tăng cường bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị. Chú trọng công tác sưu tầm, lưu trữ tài liệu; tiến tới số hoá tư liệu lịch sử Đảng bộ. Nghiên cứu, biên soạn biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ huyện; sưu tầm, nghiên cứu, tổng kết, biên soạn và xuất bản các kỳ đại hội của Đảng bộ huyện từ năm 1945 đến nay.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục và đào tạo; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm hoặc có hành vi tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo đầu tư, xây dựng, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện.
Đối với Đoàn Kiểm tra: Tổ chức thông báo kết luận này đến Ban Thường vụ Huyện uỷ Lương Sơn theo quy định, quy trình công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Phòng Khoa giáo - Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, đồng chí cán bộ phụ trách theo dõi, nắm tình hình công tác tuyên giáo Đảng bộ huyện Lương Sơn chịu trách nhiệm theo dõi việc triển khai thực hiện Thông báo kết luận này.