Với 54% số hộ gia đình học nghề thoát nghèo, Đề án 1956 đã phát huy những hiệu quả tích cực, tạo sự thay đổi rõ rệt trong đời sống của người lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Số liệu từ Sở LĐTB&XH cho thấy, sau 3 năm triển khai, Đề án 1956 đã thực sự trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của người dân lao động nông thôn tỉnh. Chỉ trong 3 năm đã có 8.549 lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số được học nghề theo các trình độ, trong đó, năm 2010 là 858 người, năm 2011 là 4.388 người và năm 2012 là 3.303 người. Bên cạnh đó, cũng đã có 1.741 cán bộ công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng trình độ, 300 giáo viên giảng dạy đã và đang được bồi dưỡng chuyên môn theo quy chuẩn…
Nhận định về hiệu quả của Đề án, lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho rằng: Nếu chỉ nhìn vào con số 75% lao động tìm được việc làm sau học nghề thì không thể đánh giá được hết tầm hiệu quả của Đề án. Bởi, là một tỉnh miền núi với trên 70% dân số là người dân tộc thiểu số, Hòa Bình đã rất “vất vả” trong việc tìm ra phương thức xóa đói giảm nghèo bền vững cho người lao động khu vực nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhờ có Đề án 1956, 3 năm qua đã có 54% số hộ nghèo học nghề đã thoát nghèo, 71% lao động là người dân tộc thiểu số (trong tổng số 8.549 lao động học nghề) tìm được việc làm sau đào tạo…Đặc biệt, các mô hình thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh cũng đã cho hiệu quả và góp phần đáng kể nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực nông thôn. Tiêu biểu, mô hình thí điểm nuôi lợn thịt hiện đã thành công và được nhân rộng với thu nhập bình quân 3 triệu/đồng/người/tháng; mô hình trồng nấm cũng đã được nhân rộng với thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn một số mô hình thí điểm dạy nghề phi nông nghiệp như: Làm chổi chít tại huyện Kim Bôi, dệt thổ cẩm tại huyện Tân Lạc, dạy nghề may công nghiệp tại Công ty cổ phần xuất khẩu 3.2 Hòa Bình…sau khi học nghề 100% lao động tìm được việc làm và cho thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, dù đã cho những hiệu quả rất tích cực nhưng theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều vướng mắc như: Thiếu cơ sở, trang thiết bị cho dạy nghề, thiếu giáo viên cơ hữu và giáo viên đạt quy chuẩn, đầu ra cho lao động học nghề nhất là nghề phi nông nghiệp còn hạn chế và đặc biệt là thiếu kinh phí hỗ trợ cho công tác dạy nghề…
Để tháo gỡ những khó khăn này đồng thời chuẩn bị cho nhiệm vụ đào tạo cho 28.000 lao động khu vực nông thôn trong 2 năm 2014-2015 với tỷ lệ lao động tìm được việc làm đạt trên 80%, Sở LĐTB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền và tư vấn về học nghề; huy động các cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chú trọng tổ chức khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo cho việc tổ chức dạy nghề sát với nhu cầu thực tế, học viên tìm được việc làm sau đào tạo. Huy động cộng đồng DN và các tổ chức kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh tham gia vào công tác dạy nghề nhằm tăng thêm nguồn kinh phí hỗ trợ và giảm áp lực cho nguồn ngân sách…