Học sinh, sinh viên (HS – SV) trên cả nước có thể sẽ nhận được mức vay hỗ trợ là 1,2 triệu đồng/tháng thay vì mức 860.000 đồng/tháng như hiện tại.
Đây là đề nghị của Bộ GD – ĐT trong hội thảo xây dựng chính sách hỗ trợ đối với HS - SV các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
Đề nghị này được đưa ra khi nhu cầu được vay vốn hỗ trợ của HS – SV là rất lớn. Với mức hỗ trợ 860.000 đồng/tháng áp dụng từ 26/8/2009 thì hiện tại nhiều HS – SV không đủ trang trải các chi phí học tập và sinh hoạt.
Trong khi đó cùng những biến động của kinh tế thị trường, hàng loạt các mặt hàng khác cũng tăng theo, kéo theo đó là chi phí sinh hoạt của các em tăng lên gấp đôi, thậm chí là gấp 3. Do vậy, cuộc sống của nhiều HS – SV vẫn gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em.
Thêm vào đó, từ 1/7 tới cả nước sẽ áp dụng mức học phí mới, mức cao nhất là 340.000 đồng/tháng (đối với nhóm ngành y, dược). Do vậy nếu cứ để mức hỗ trợ như hiện tại thì mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu chi phí tối thiểu của HS – SV.
Do vậy việc đề xuất tăng mức hỗ trợ cho vay lên 1,2 triệu đồng/tháng/HS – SV được Bộ GD – ĐT cho là cần thiết.
Theo số liệu thống kê cho thấy, hiện nay nhu cầu vay vốn của HS – SV là rất lớn trong khi đó nguồn vốn cho vay bị hạn chế nên dẫn tới nhiều thời điểm các ngân hàng đã không đáp ứng được kịp thời nhu cầu vay vốn của HS – SV.
Tính đến hết tháng 3-2010, sau 3 năm triển khai quỹ vay tín dụng đối với HS-SV trên phạm vi cả nước, tổng số tiền hỗ trợ đã đạt khoảng 19.900 tỷ đồng, trong đó số HS - SV được vay là 1,8 triệu, số gia đình thuộc diện vay tín dụng đào tạo là 1,6 triệu hộ.
Nếu đề nghị này được thực thi, HS – SV cả nước nói chung và HS – SV thuộc các hộ nghèo của 62 huyện nói riêng sẽ có thể yên tâm học tập, chấm dứt tình trạng HS- SV phải nghỉ học hoặc bảo lưu kết quả vì không có tiền để trang trải chi phí học tập.