. Công tác xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục được quan tâm, 4 mục tiêu xây dựng xã hội học tập đều đạt và vượt kế hoạch. Mạng lưới trường lớp được củng cố, phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng cao. Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng lên. Các nhà trường đã tích cực triển khai các phương pháp dạy học tích cực, các mô hình đổi mới sáng tạo trong dạy và học theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tinh thần trách nhiệm cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục được đẩy mạnh, giữ vững kỷ cương, trật tự trong các nhà trường.
Cơ sở vật chất của các nhà trường tiếp tục được quan tâm đầu tư, góp phần quan trọng trong việc duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Đến nay, toàn tỉnh có 8.649 phòng học các cấp, trong đó phòng học kiên cố chiếm 83,7%, phòng học bán kiên cố chiếm 15,1%; có 270 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, đạt 42%; có 64/191 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học, đạt 33,5%, có 188/191 xã đạt tiêu chí số 14 về giáo dục, đạt 98,4% trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; được ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc. Ngành Giáo dục và Đào tạo thường xuyên phối hợp tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên lý luận về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, các chủ trương, quan điểm, chiến lược xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước; quán triệt về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng và các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành. Năm 2017, có 6.354 cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia. Công tác xây dựng, phát triển Đảng luôn được quan tâm thực hiện. Đến nay, ngành Giáo dục có 678 đảng bộ, chi bộ với 11.131 đảng viên đạt tỷ lệ 53,6% tổng số công chức, viên chức toàn ngành. Trong đó có 7.587 đảng viên nữ chiếm 68%, 5.992 đảng viên người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 53,8%. Có 28 đảng viên là học sinh, sinh viên được kết nạp trong trường học.
Công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên được quan tâm triển khai: Các câu lạc bộ tư vấn hướng nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Việc phân luồng sau THCS được triển khai tích cực. Giai đoạn 2013-2018, toàn tỉnh đã mở được 237 lớp vừa học văn hóa, vừa học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề với 8.907 học viên. Đến nay số học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT (2 hệ), trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đạt 92.1% (tăng 6.2% so với năm 2013); tỷ lệ đối tượng 18 - 21 tuổi có bằng tốt nghiệp THPT (2 hệ) và TCCN đạt tỷ lệ 70.9%. 100% xã, phường, thị trấn và 11 huyện, thành phố đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, trong đó có 53 xã, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2, chiếm 25.2%; có 156 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 3, chiếm 74.8%. Có 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, đạt tỷ lệ 100% trong đó có 2 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 là Kỳ Sơn và Thành phố Hoà Bình. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ, trong đó có 1 xã đạt mức độ 1, chiếm 0.47% (xã Hang Kia huyện Mai Châu); có 209 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2, chiếm 99.53%. 100% huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Độ tuổi 15- 60 biết chữ mức độ 1: 597.042/599.408 người, tỉ lệ 99.61%. Độ tuổi 15 - 60 biết chữ mức độ 2: 583.008/599.408 người, tỉ lệ 97.26%.
Hiện nay, toàn tỉnh có 13 trường PTDTNT, 100% học sinh các trường PTDTNT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Ngành giáo dục và đào tạo chọn hai năm 2013, 2014 là “Năm giáo dục vùng khó khăn” với mục đích nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã huy động được 950 học viên ra học các lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; 327 học viên học các lớp bổ túc THCS cho các đối tượng là phụ nữ, người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ đã được triển khai thông qua chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng thu hút 23.000 lượt người theo học, góp phần chống tái mù chữ cho học viên mới biết chữ. Có 100% trường mầm non thực hiện tốt việc dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.
Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, rộng khắp. Đến nay, toàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 05 trường cao đẳng (02 trường trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 03 trường do các Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý); 02 trường trung cấp, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX cấp huyện; 04 trung tâm thuộc các hội, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh; 01 trung tâm dạy nghề tư thục và 17 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Quy mô đào tạo khoảng 15 đến 16 nghìn lao động/năm. Từ năm 2013 đến tháng 6/2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo nghề cho 84.501 lao động theo các trình độ cao đẳng 2.092 lao động; trung cấp là 9.407 người; sơ cấp là 29.361 người, dưới 3 tháng là 43.731 người. Trong đó, 24.117 lao động nông thôn được đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng.