Đóng góp ý kiến về Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc khẳng định: Thực tiễn quá trình kiểm tra, giám sát cho thấy, còn nhiều bất cập trong quy định của phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình cơ sở, đặc biệt nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, thanh tra, kiểm tra về phòng cháy chữa cháy còn nhiều bất cập, dẫn đến nhiều vụ việc cháy nổ thương tâm thời gian qua, tạo sự lo lắng trong Nhân dân.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, các nội dung của dự án Luật đã bám sát các chủ trương của Đảng, về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bảo đảm tính thống nhất và tương thích. Tuy nhiên các quy định trong dự thảo Luật liên quan đến nhiều quy định khác trong hệ thống pháp luật. Do đó, dự thảo cần rà soát kỹ để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với các luật hiện hành.
Về trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Điều 6, đại biểu đề nghị bổ sung “UBND các cấp, cơ quan công an trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn kiểm tra hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”. Ngoài ra, tại Điều 7 về trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cần bổ sung “UBND các cấp, cơ quan công an, trực tiếp là lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải là những người tiên phong trong tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”. Đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật nên xem xét bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy.
Theo quy định tại Điều 20 phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện, theo đại biểu, trong xu thế phát triển hiện nay đang hướng tới xu hướng bảo vệ môi trường đã dẫn đến gia tăng các phương tiện sử dụng pin. Tuy nhiên thời gian qua rất nhiều vụ việc cháy nổ xuất phát từ các phương tiện này, do đó dự thảo Luật cần có những quy định chặt chẽ cụ thể về việc sử dụng các loại phương tiện, các biện pháp về phòng cháy, chữa cháy, trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp thực hiện phòng cháy, chữa cháy từ khâu sản xuất đến tiêu dùng và đối tượng sử dụng.
Hiện nay, đối với các đơn vị cấp huyện, cấp xã trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Đại biểu Ngọc đề nghị cần quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các địa phương, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy mang tính kịp thời.
Về xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy tại Điều 9, dự thảo Luật hiện nay đã đưa ra khá nhiều nội dung về xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phân tích đánh giá có quy định cụ thể hơn nữa vì hiện nay các quy định còn chung chung. Đặc biệt tại khoản 1 Điều 9 có quy định tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy theo nguyên tắc tự nguyện. Nếu quy định như vậy thì sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, khó thực hiện trong thực tiễn.
Về thành lập, quản lý lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành theo Điều 41 của dự thảo quy định thành viên đội dân phòng ngoài thành viên của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự còn có cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét lại quy định này, vì hiện nay đối với các tỉnh miền núi thì việc thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại các thôn, bản của tỉnh miền núi là rất khó khăn do địa hình rộng, nhiều thôn, bản.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 50 của dự thảo cũng quy định Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành được hưởng chế độ hỗ trợ thường xuyên hàng tháng. Bởi vậy, nếu quy định thành viên đội dân phòng là thành viên của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và cá nhân tình nguyện tham gia thì số lượng thành viên sẽ tăng lên kéo theo ngân sách chi cho tổ cũng tăng lên. “Điều này sẽ rất khó khăn đối các tỉnh miền núi, nhất là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, ngân sách hạn chế. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có phương án giao cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện Luật”, ĐBQH Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh.