DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tình hình sinh vật gây hại cây trồng tháng 6/2024

14/06/2024 15:19
Trong tháng 6, thời tiết nắng nóng, một số kỳ nắng nóng gay gắt xen kẽ mưa dông. Nhiệt độ trung bình của tỉnh 27,4 độ C - 29,9,6 độ C; có thời điểm cao nhất là 41 độ C. Tổng lượng mưa đạt 415,78mm, tổng lượng nắng là 99,2 giờ, đều cao hơn trung bình so với cùng kỳ năm 2023. Thời tiết diễn biến phức tạp, thuận lợi cho sinh vật phát triển và gây thiệt hại đến năng suất và cây trồng. Do đó, các địa phương cần theo dõi sát diễn biến sinh trường của sinh vật để có biện pháp phòng, ngừa kịp thời.

Để các địa phương nắm rõ tình hình sinh vật gây hại tháng 6, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổng hợp như sau:

Trong vụ Lúa vụ Xuân: Chuột tiếp tục gây hại diện tích nhiễm 59,0 ha, thấp hơn kỳ trước 130ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước 19ha. Chuột gây hại tập trung tại thành phố Hòa Bình và các huyện: Lương Sơn, Lạc Sơn, Mai Châu. Bệnh khô vằn tiếp tục gây hại diện tích nhiễm 54ha, cao hơn kỳ trước 11ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước 47ha. Bệnh tập trung tại thành phố Hòa Bình, Lạc Thủy, Mai Châu, Yên Thủy, Tân Lạc. Bệnh đạo ôn lá tiếp tục gây hại diện tích nhiễm 15ha thấp hơn kỳ trước 4,2ha, tập trung tại các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc. Tập đoàn rầy tiếp tục gây hại diện tich nhiễm 50ha, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 45ha. Các đối tượng khác như: Sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn cổ bông, châu chấu, bọ xít dài, ,..gây hại nhẹ rải rác một số nơi.

Trên cây có múi: Nhện nhỏ gây hại diện tích nhiễm 30ha; Bệnh vàng lá thối rễ tiếp tục gây hại diện tích nhiễm 15ha. 2 bệnh xuất hiện tại huyện Tân Lạc. Các đối tượng khác như: Sâu vẽ bùa, sâu đục cành, rệp muội, rệp sáp,..tiếp tục gây hại nhẹ rải rác tại các vùng trồng cây có múi.

Trên cây Mía: Bệnh thối nõn phát sinh gây hại diện tích nhiễm 5,0 ha, tại huyện Tân Lạc. Ngoài ra, có Chuột, rệp bông xơ trắng, sâu đục thân, bệnh khô vằn,.. gây hại rải rác trên các diện tích mía chưa thu hoạch. Sâu xám, chuột, bọ hung... gây hạị nhẹ rải rác trên các vùng trồng mía giai đoạn cây con, đẻ nhánh- vươn lóng.

Trên cây rau: Rau họ bầu bí mắc các bệnh phấn trắng, bệnh giả sương mai, bọ trĩ, sâu xanh bướm trắng, bệnh thối nhũn, rệp, sâu khoang, chuột…tiếp tục gây hại rải rác trên các vùng trồng rau với mật độ và tỷ lệ thấp. Rau họ hoa thập tự, như: Sâu tơ, bệnh lở cổ rễ, sâu xanh bướm trắng, bọ nhảy, sâu khoang, bệnh thối nhũn, rệp muội, chuột gây hại nhẹ rải rác.

Cây sắn: Bệnh khảm lá sắn xuất hiện gây hại diện tich nhiễm 21,0 ha tại Yên Thủy, Lạc Sơn, Tân Lạc,… với tỷ lệ phổ biến 1 -3 % số cây, cao 7 - 10 số cây, cục bộ > 50 % số cây. Mật độ bọ phấn trắng phổ biến 1 - 3 con/lá, cao 5 - 7 con/lá.

Trên cây trồng khác: Châu chấu tre gây hại trên rừng luồng, bương tại huyện Cao Phong, thành phố Hòa Bình, Đà Bắc, Mai Châu,… Các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát sao mật độ châu chấu tại các vùng thường xuyên xuất hiện Châu chấu gây hại trên địa bàn. Ngoài ra, Bọ xít muỗi, rầy xanh, bọ cánh tơ, bệnh đốm lá, bệnh phồng lá, bệnh khô cành chè tiếp tục gây hại, Rệp sáp, rệp muội, nhện lông nhung, bọ xít nâu, bệnh thán thư...hại rải rác trên các vùng trồng nhãn, vải.

Trong thời gian tới, dự báo sinh vật gây hại tiếp tục phát sinh, nhất là Ốc bưu vàng, Tập đoàn rầy trên cây lúa; Bệnh muội, Rệp sáp trên cây có múi; Bệnh thối nõn, Rệp bông xơ trăng trên cây Mía,… Do đó, các địa phương đã tiếp tục thực hiện triệt để chỉ đạo của UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2023- 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2024; thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng mía ăn tươi trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền cảnh giác với những giống cây trồng trôi nổi, không rõ nguồn gốc; hướng dẫn kỹ thuật canh tác bưởi theo tiêu chuẩn xuất khẩu; chủ động điều tra, phát hiện và phòng chống châu chấu mía hại cây trồng nông, lâm nghiệp,…

Các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương thu hoạch diện tích lúa trà muộn, trà cực muộn đã chín. Thu hoạch đến đâu tranh thủ làm đất ngay đến đó để hạn chế sâu bệnh chuyển vụ. Hạn chế tối đa việc đốt rơm rạ, sử dụng rơm rạ làm chất độn chuồng, phân ủ hay vùi xuống ruộng để trả lại dinh dưỡng cho đất. Chuẩn bị đủ giống, vật tư nông nghiệp, phân bón để phục vụ cho sản xuất vụ Mùa, vụ Hè thu. Tích cực chăm sóc cây có múi giai đoạn phát triển quả, thường xuyên kiểm tra cắt bỏ các cành sâu bệnh, bón phân chăm sóc kịp thời giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt. Đặt bẫy bả chua ngọt nhử bắt trưởng thành sâu keo mùa thu, sâu đục thân…trên ngô và cây rau màu. Duy trì hệ thống bẫy đèn phục vụ cho công tác dự tính dự báo dịch hại cây trồng./.