DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 53-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững

14/06/2024 08:32
Hòa Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng trung du miền núi Bắc Bộ, có diện tích tự nhiên 4.590,3 km2, gồm 9 huyện, 01 thành phố với 151 xã, phường, thị trấn. Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp của tỉnh là 294.183,58 ha, trong đó đất rừng đặc dụng 40.231,64 ha, đất rừng phòng hộ 108.498,13 ha, đất rừng sản xuất 145.462,81 ha. Hiện nay, diện tích có rừng là 236.919,25 ha, trong đó rừng tự nhiên 141.614,03 ha, rừng trồng 95.305,22 ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2023 đạt 51,61%.
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra diện tích rừng nhằm bảo vệ, phát triển rừng

Xác định rõ vai trò và ý nghĩa to lớn của rừng, trong 5 năm qua, công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ, phát triển rừng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, qua đó đã đạt được kết quả quan trọng. Công tác triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 53-CT/TU, ngày 06/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, quản lý quy hoạch, quản lý và sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững, góp phần tích cực vào công cuộc xã hội hóa nghề rừng nhằm phục hồi rừng, nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng đất rừng cơ bản đã đi vào nề nếp; diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng được hỗ trợ, đầu tư bảo vệ và phát triển; diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh tăng nhanh; các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản phát triển, từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 104 dự án phát triển kinh tế - xã hội được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích 2.085,27 ha (100,55 ha quy hoạch rừng phòng hộ; 1.169,35 ha quy hoạch rừng sản xuất; 815,37 ha đã điều chỉnh ra ngoài quy hoạch ba loại rừng) với hiện trạng gồm 1.194,39 ha rừng trồng; 890,88 ha diện tích không có rừng. Các dự án chuyển đổi được giám sát chặt chẽ, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về lâm nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan. Kiên quyết không thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với rừng tự nhiên. Quá trình thực hiện các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được thẩm định đảm bảo đúng quy định pháp luật về lâm nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan; cơ bản các chủ đầu tư dự án thực hiện nghiệm theo Nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng thay thế.

Các vụ phá rừng với quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng không còn xảy ra; số vụ vi phạm luật về lâm nghiệp giảm mạnh; cháy rừng giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra; an ninh rừng trên địa bàn tỉnh được giữ vững, độ che phủ của rừng được duy trì ổn định. Công tác quản lý quy hoạch ba loại rừng được thực hiện tốt; những dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được giám sát chặt chẽ, đảm bảo phù hợp với quy hoạch bảo vệ phát triển rừng hoặc quy hoạch ba loại rừng và chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện quy hoạch, quản lý và sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện; việc chuyển mục đích rừng sang mục đích khác trái pháp luật, sử dụng đất không đúng mục đích được xử lý nghiêm; những dự án sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, dự án có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng và môi trường sinh thái, dự án ảnh hưởng nghiệm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân bị đình chỉ và xử lý kịp thời; các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong quản lý quy hoạch, sử dụng đất rừng vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng đều được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Đất đai; Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Hòa Bình và quy hoạch chuyên ngành liên quan. Đổi mới phương pháp tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, lâm nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phong phú, hiệu quả; quan tâm tuyên truyền việc áp dụng phát triển quản lý rừng bền vững như hoạt động trồng rừng thâm canh gỗ lớn, gắn với chứng chỉ rừng FSC nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ phát triển tài nguyên rừng bền vững. Giải quyết dứt điểm việc chỉnh lý, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; kịp thời cập nhật, chỉnh lý và lập hồ sơ địa chính, tình trạng biến động đất đai theo quy định; xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai để thuận tiện cho việc khai thác và thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các các công ty nông, lâm nghiệp sau khi được sắp xếp đổi mới hoàn thiện phương án sử dụng đất để trình phê duyệt theo quy định để làm căn cứ để giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp. Giải quyết dứt điểm việc tranh chấp, lấn chiếm, xâm canh, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn đất không đúng quy định của pháp luật tại các công ty nông, lâm nghiệp; kiểm tra, rà soát, đánh giá quỹ đất hiện do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý để tiếp tục thu hồi đất, bàn giao về cho địa phương quản lý để giao lại cho Nhân dân nhằm ổn định nơi ở, tạo điều kiện yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo điều kiện đời sống thiết yếu, lâu dài cho Nhân dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp để phát hiện kịp thời những sai phạm, những tranh chấp, khiếu kiện về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân. Tăng cường giám sát việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng của chính quyền các cấp, lực lượng kiểm lâm và ngành chức năng liên quan.

Đẩy mạnh công tác phát triển rừng, nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng gắn với tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tập trung rà soát các chính sách đã ban hành trong lĩnh vực lâm nghiệp theo thẩm quyền; trên cơ sở đó tổng hợp, ban hành thống nhất một chính sách để thực hiện, trong đó quy định mức, hồ sơ, trình tự thực hiện hỗ trợ cụ thể và mở rộng đối tượng thụ hưởng tối đa nhằm khuyến kích trong hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chính sách hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030. Hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ về trồng rừng, trồng cây phân tán được giao. Tăng cường phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, liên kết theo chuỗi từ trồng rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến gỗ và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp; kiểm soát chặt chẽ các chương trình, dự án đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Hoàn thành việc cắm mốc giới Quy hoạch 3 loại rừng trên thực địa./.