DetailController

Hội đồng nhân dân Tỉnh

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 8/2022

01/09/2022 00:00
Ngày 31/8, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 8 năm 2022 cho ý kiến vào các dự thảo, Tờ trình đề án quan trọng. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng Trung ương; các đồng lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở ngành của tỉnh
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị

Hội nghị đã nghe và cho ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo và Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 11/8/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự thảo báo cáo đã bám sát quan điểm, mục tiêu chung, các chỉ tiêu cụ thể và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 16-NQ/TU để đánh giá kết quả, phân tích hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cơ bản phù hợp với định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và các chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thời gian tới. Các ý kiến cho rằng cần phải xác định giảm nghèo là một trong những chính sách ưu tiên phát triển KT-XH, cần so sánh đánh giá làm rõ hơn kết quả thực hiện các chỉ tiêu về giảm nghèo; bám sát các mục tiêu, đánh giá đúng thực trạng để xây dựng kế hoạch và huy động nguồn lực cho Chương trình; đặc biệt cần phân bổ vốn linh hoạt, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, là cơ sở, tiền đề, động lực nâng cao thu nhập cho người dân…

          Về Báo cáo tiến độ triển khai các dự án trọng điểm dự kiến khởi công năm 2022, Báo cáo đã chỉ rõ nhiều khó khăn trong quá trình triển khai như: Công tác giải phóng mặt bằng; thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng khéo dài; công tác quản lý đất đai tại các địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập... Các đại biểu đã thảo luận, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, trong đó cần làm tốt công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương; tạo điều kiện, linh hoạt trong giải quyết các thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đất đai, xây dựng; rà soát đối với các dự án chậm tiến độ để có giải pháp xử lý…

Đối với Dự thảo Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn bộ sách Lịch sử tỉnh Hòa Bình, Đề án xây dựng bộ sách Lịch sử tỉnh Hoà Bình khi hoàn thành sẽ khẳng định và phát huy những giá trị về lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước; là căn cứ khoa học để hoạch định chủ trương, chiến lược, xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh Hòa Bình; là tài liệu chính thống phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử địa phương cho học sinh phổ thông trong tỉnh. Do đó cần xem xét, nghiên cứu đảm bảo tính logic; có kế hoạch tổ chức thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể; xem xét việc tận dụng tối đa các công trình nghiên cứu đã có từ trước đến nay về tỉnh Hòa Bình để hạn chế việc nghiên cứu khảo sát,… tiết kiệm kinh phí cho dự án.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng cho ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo và Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2022 (ban hành kèm theo Quyết định số 525-QĐ/TU, ngày 13/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về chủ trương, vai trò trách nhiệm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được nâng lên; một số chỉ tiêu đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư, các chính sách giảm nghèo được giải quyết kịp thời đúng quy định đã góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao thu nhập và chất lượng nguồn lao động…Thời gian tới, cần chỉ đạo thực hiện đối với một số chỉ tiêu quan trọng: Hỗ trợ  tạo sinh kế, định hướng sản xuất cho người dân; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; áp dụng KHKT vào sản xuất, phát triển dịch vụ thương mại, sinh thái, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết vùng phục vụ cho xuất khẩu…

Đối với các dự án trọng điểm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức lấy ý kiến các huyện, thành phố, các sở, ngành, chuyên gia…đối với định hướng quy hoạch của tỉnh để trình BTV Tỉnh ủy. Lựa chọn 8 dự án trọng điểm, thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhất là tiến độ giải phóng mặt bằng; tập trung phát triển khu công nghiệp lớn, lựa chọn nhà đầu tư lớn, tiềm năng; hạn chế phát sinh các khu, cụm công nghiệp nhỏ lẻ; chỉ đạo các sở, ngành hoàn thành quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh…

Đối với Đề án xây dựng bộ sách Lịch sử tỉnh Hoà Bình; Dự thảo Báo cáo và Kết luận Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2022, các cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện…/.