Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW, với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, đến nay kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên 3 lĩnh vực nguồn nhân lực, nguồn vật lực và tài lực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng; giảm tỷ trọng ngành nông - lâm thủy sản. Năm 2020, cơ cấu kinh tế: Dịch vụ 48,5%; công nghiệp - xây dựng 44,2%, nông lâm nghiệp, thủy sản 7,3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng/người/năm. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 53 hợp tác xã và 19 tổ hợp tác, thu hút khoảng 1.000 lao động trong, ngoài tỉnh. Khối doanh nghiệp, hợp tác xã đóng góp ngân sách khoảng 205 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, giải quyết việc làm cho 35.000 lao động. Tổng thu ngân sách Nhà nươc 9 tháng đầu năm 2021 thực hiện trên 380 tỷ đồng, đạt 83,02% dự toán tỉnh và bằng 71,05% chỉ tiêu Hội đồng nhân dân. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; nhiều công trình, dự án quan trọng đã hoàn thành và đang triển khai, tạo diện mạo mới, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Tại buổi giám sát, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 39- NQ/TW của Bộ Chính trị của thành phố Hòa Bình thời gian qua. Lãnh đạo thành phố Hòa Bình đã đề xuất, kiến nghị với Đoàn công tác của tỉnh một số vấn đề nhằm thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới như: Xem xét ban hành cơ chế đặc thù đối với địa phương trong vùng động lực của tỉnh; có cơ chế riêng để có thêm nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, sớm đưa thành phố Hòa Bình trở thành đô thị loại II trước năm 2025; tăng cường sự phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong công tác thu ngân sách Nhà nước; tiếp tục ưu tiên các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đầu tư các công trình, dự án thiết yếu trên địa bàn thành phố; thu hút đầu tư, bố trí kinh phí đầu tư hạng mục kè và chỉnh trang hai bên bờ sông Đà các đoạn còn lại; bố trí nguồn vốn, ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế trên địa bàn thành phố Hòa Bình thời gian qua. Nhấn mạnh về phương hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị thành phố Hòa Bình: Tiếp tục quan tâm, đổi mới phát triển quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực hướng đến các mục tiêu phát triển nhân lực gắn với nhu cầu thị trường lao đọng, giải quyết việc làm; đổi mới công tác quản lý, sử dụng, đánh giá và đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng công tác đào tạo, bổi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ trong công việc, phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhân tàu; thực hiện tốt thể chế phát triển thị trường lao động; tăng cường xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giám sát và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo; làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường công tác thu ngân sách Nhà nước; thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của thành phố Hòa Bình, Đoàn công tác của tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất./.