Ước thực hiện sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản đến tháng 9 năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 12.900 ha; Tổng sản lượng cây lương thực có hạt ước đạt 2,99 vạn tấn. Cây ăn quả toàn huyện hiện có 1.323 ha, trong đó: Cây ăn quả có múi là 1.203 ha, còn lại là diện tích cây ăn quả khác: Táo, na, nhãn, vải, chuối, thanh long…Duy trì tổng đàn gia súc, gia cầm là 837.370 con bằng 86,73% so với kế hoạch, tăng 1,86% so cùng kỳ. Thực hiện tốt việc kiểm soát dịch bệnh động vật, vệ sinh thú y. Tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, tiêm phòng các loại vắc xin, khử trùng tiêu độc vệ sinh chuồng trại phòng, chống bệnh động vật các đợt trong năm. Tổng diện tích rừng trồng mới tập trung là 535 ha, đạt 107% so với kế hoạch, bằng 71,33% so với cùng kỳ. Trồng cây phân tán ước đạt 40 ngìn cây; duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được duy trì thường xuyên, không có vụ vi phạm lâm luật và cháy xảy ra. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 360,9 ha, diện tích đã nuôi thả 325,2ha đạt 90,1 % so với kế hoạch, phấn đấu đạt 100% kế hoạch. Sản lượng khai thác đạt 345 tấn. Duy trì bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không có đánh bắt cá bằng sung điện. Tăng cường công tác nuôi thủy sản đạt kế hoạch năm 2023.
Đến nay toàn huyện có 212,8 ha diện tích cây trồng chủ lực được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đạt tiêu chuẩn ATTP, VietGAP, GlobaGAP cho các HTX, Tổ hợp tác sản xuất. Xây dựng và cấp mã số vùng trồng phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu: Đến nay trên địa bàn huyện có 7 vùng trồng được cấp mã số với diện tích là 135,9 ha.
Vụ Đông năm 2023, huyện phấn đấu gieo trồng đạt 881 ha cây vụ đông, tập trung vào một số cây chủ yếu: Ngô khoảng 441ha. Sử dụng giống ngô lai có thời gian sinh trưởng ngắn và ngô nếp, ngô ngọt, ngô sinh khối có năng suất và phẩm chất cao, có liên kết tiêu thụ ổn định. Khoai lang khoảng 156 ha, rau đậu các loại 281,5 ha trong đó tập trung vào một cố loại rau có thế mạnh như các loại rau họ thập tự; bí xanh (vụ sớm), dưa chuột, bí đỏ; còn lại là diện tích cây hoa màu khác.
Theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng Elnino (pha nóng) tiếp tục duy trì từ cuối năm 2023 tới đầu năm 2024 với xác suất khoảng 80-90%. Dự báo nền nhiệt độ những tháng mùa Đông năm 2023-2024 cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,50C. Tổng lượng mưa phổ biến tháng 11-12/2023 cao hơn khoảng từ 10-25%; tháng 1/2024 phổ biến xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ. Nguồn nước trên các sông, suối, hồ chứa tiếp tục thiếu hụt từ 20 - 30% so với TBNN. Tiến độ gieo cấy lúa Mùa 2023 sớm hơn so với cùng kỳ tạo thuận lợi để chủ động bố trí diện tích đất trồng cây vụ Đông, dự kiến diện tích thu hoạch đến ngày 25/9 đạt trên 1.650 ha. Do đó, cần bố trí tăng diện tích và đẩy sớm tiến độ sản xuất cây trồng vụ Đông ưa ấm như ngô, ngô sinh khối, cây họ đậu, ớt....Nguồn nước phục vụ cho gieo trồng cây vụ Đông được đảm bảo tuy nhiên sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ. Việc tích nước tại các hồ chứa trên địa bàn tiếp tục thiếu hụt, gây khó khăn cho lấy nước phục vụ tưới dưỡng cây vụ Đông và chuẩn bị nước phục vụ gieo trồng vụ Xuân 2024.
Để đảm bảo công tác chỉ đạo tổ chức sản xuất vụ Đông 2023 đúng kế hoạch, cần chỉ đạo chặt chẽ, rà soát cụ thể diện tích trà lúa mùa sớm đảm bảo thu hoạch trước 05/10 để bố trí trồng nhóm cây vụ đông ưa ấm (ngô, khai lang, đậu tương, lạc). Những diện tích lúa trà muộn, tập trung trồng các cây rau ăn lá, các cây trồng ưa lạnh... Chỉ đạo, tuyên tuyền, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất bình thường trên những diện tích đất chưa đảm bảo các điều kiện để thực hiện các dự án để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt các chỉ tiêu tăng trưởng Ngành. Đôn đốc các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất. Thực hiện biện pháp rút nước đệm phù hợp, đảm bảo độ ẩm đất để sau khi thu hoạch lúa mùa là làm đất và trồng ngay cây vụ Đông. Tuân thủ chế độ điều tiết nước, đảm bảo xử dụng nước hợp lý cho vụ Đông nhưng vẫn đảm bảo tích trữ nước phục vụ cho gieo cấy lúa, trồng cây màu vụ Xuân 2024.
Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản; quản lý chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Tăng cường công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh, chống dịch. Vận dụng hiệu quả chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với sản xuất, nhất là các chính sách theo các Chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao giá trị của nông sản. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2023. Tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp; kế hoạch các chương trình MTQG xây dựng NTM, chương trình MTQG Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc năm 2023; Chỉ đạo sản xuất cây trồng vụ Đông năm 2023 đúng tiến độ; Xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Xuân năm 2024. Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt tại các vùng ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan rộng; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo làm dịch bệnh lây lan. Tiếp tục thực hiện tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm và công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc vụ Thu đông 2023.
Thực hiện tốt việc kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt 2 năm 2023. Tập trung chỉ đạo xã Đa Phúc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng hồ sơ minh chứng trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. trình UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh phê duyệt xã Phú Lai, xã Ngọc Lương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tổ chức thẩm định 08 khu dân cư, 80 vườn hộ; Tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện năm 2023. Hoàn thiện các tiêu chí: xã NTM thông minh xã Yên Trị; Đô thị văn Minh thị trấn hàng Trạm; Tiêu chí huyện Nông thôn mới. Tăng cường hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương, đặc biệt đối với các HTX nông nghiệp mới thành lập liên kết sản xuất theo chuỗi. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobaGAP và cấp mã số vùng trồng cho các cơ sở đủ điều kiện phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.