Huyện chủ trương phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ. Phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong huyện, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước. Giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được chế biến đến năm 2030 tăng gấp 1,2 lần so với năm 2020 và tăng gấp 2,0 lần vào năm 2050. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ; đến năm 2030 giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng từ 10% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng.
Phát triển dịch vụ môi trường rừng, triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. Phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, tri thức bản địa; mở rộng các loại hình du lịch, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; bảo tồn các loài động, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm; duy trì ổn định và phát triển diện tích rừng đặc dụng. Khai thác, sử dụng bền vững các tiềm năng của rừng đặc dụng như đa dạng sinh học, cảnh quan, dịch vụ môi trường rừng. Thu hút lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp là người dân tộc thiểu số sống ở khu vực có rừng đến năm 2030 chiếm trên 50%. Phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân của lao động là người dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động sản xuất lâm nghiệp đến năm 2030 tăng gấp 1,5 lần và đến năm 2050 tăng gấp 2,0 lần so với mức thu nhập tại thời điểm năm 2025.
Khi thực hiện Đề án các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan đến hoạt động phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; đối tượng hưởng lợi trực tiếp là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng.
Trong giai đoạn này, huyện tập trung phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ. Ưu tiên phát triển rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng phát triển các mô hình, dự án liên kết trồng rừng cây gỗ lớn hiệu quả tạo mối liên kết bền vững giữa người trồng rừng với các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn huyện. Phát triển công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ; tận dụng phế phụ phẩm trong chế biến gỗ để sản xuất các sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng; từng bước hình thành kinh tế tuần hoàn trong ngành sản xuất lâm nghiệp; giảm dần tỷ trọng các sản phẩm chế biến thô như sản xuất dăm gỗ. Khuyến khích sản xuất và sử dụng các sản phẩm gỗ từ rừng trồng trong nước.
Tập trung phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu. Hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tập trung phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thích hợp với yêu cầu sinh thái của mỗi loài, trong đó ưu tiên một số loài cây hiện có, giá trị kinh tế cao trên đất lâm nghiệp hoặc dưới tán rừng như: Dổi, Tre, Luồng, Xạ đen, Ngưu tất ... cấp mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu đối với diện tích đủ điều kiện để đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm hàng hóa thương mại gắn kết với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm ngành nghề thủ công mỹ nghệ gắn với nguyên liệu từ rừng, xây dựng các sản phẩm OCOP về dược liệu, sản phẩm phù hợp với nét đặc trưng về bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp, phát triển dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi trội trên cơ sở phát huy các giá trị tài nguyên du lịch đặc trưng, khác biệt về văn hóa, tài nguyên, sinh thái... phát triển đồng thời một số loại hình du lịch mà huyện có tiềm năng, thế mạnh. Phát triển các mô hình du lịch sinh thái gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Tăng cường quảng bá, tiếp thị các sản phẩm, các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng. Thu hút các doanh nghiệp và thúc đẩy, hỗ trợ các chủ rừng tham gia phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các hệ sinh thái rừng. Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp với chủ rừng và cộng đồng địa phương để phát triển, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch đảm bảo phát triển bền vững, chia sẻ lợi ích công bằng; hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao sinh kế thông qua việc sử dụng lao động địa phương./.