Từ năm 2021 đến nay, huyện Yên Thuỷ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã quy hoạch vùng trồng dược liệu gồm 3 xã: Yên Trị, Đa Phúc, Lạc Lương, Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã chủ động chọn các cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương: Cây sạ đen, cà gai leo, sả…ngoài ra còn phát triển một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như cây sâm, cây dược liệu quý bản địa, để trồng đã mang lại giá trị kinh tế cao trên diện tích canh tá, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân.
Hiện tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện là 188 ha, gồm: Cà gai leo, sạ đen, sả, ngưu tất, dạ cẩm, bồ công anh… được hộ gia đình liên kết với HTX nông nghiệp để sản xuất tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Vùng quy hoạch trồng dược liệu là Yên Trị, Đa phúc, Lạc Lương. Hiện nay trên địa bàn huyện có 02 cơ sở sơ chế và chế biện dược liệu của HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu chuyên sơ chế, chế biến dược liệu Cà gai leo; HTX nông nghiệp Yên Trị chuyên sơ chế và chế biến các dược liệu tổng hợp ( sả, sạ đen, sả, ngưu tất, dạ cẩm, bồ công anh); 01 cơ sở sơ chế, chế biến cá thể gia đình ông Bùi Văn Chung xã Đa Phúc về sản phẩm Trà túi lọc cà gai leo.
Nhìn chung, việc phát triển cây dược liệu góp phần đáng kể trong chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tạo việc làm thường xuyên, kinh tế bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Thu nhập bình quân cây dược liệu cao hơn so với cây trồng khác, ước đạt 180-300 triệu đồng/ha/ năm….là những giá trị mà việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện mang lại. Tuy nhiên, hiện nay, đầu ra sản phẩm còn thiếu ổn định, thiếu các Doanh nghiệp có tiềm lực liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu bền vững trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng trong sản xuất, chế biến, nhất là công nghệ sơ chế/chế biến sau thu hoạch còn thiếu và chưa đồng bộ. Các HTX ít được tiếp cận đối với cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, bảo quản dược liệu.
Theo đánh giá tiềm năng, tới năm 2030 huyện sẽ phát triển khoảng 43 ha cây dược liệu trên địa bàn, để đáp ứng nhu cầu trên cần có giải pháp nhằm phối hợp lồng ghép nguồn vốn các chương trình Dự án, các doanh nghiệp, HTX và người sản xuất. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chủ trương định hướng, chính sách của nhà nước đối với ngành dược liệu. Nâng cao nhận thức của Nhân dân trong vùng quy hoạch về hiệu quả của sản xuất dược liệu, khai thác dược liệu lâu năm, không phát triển sản xuất tự phát. Chủ động tìm kiếm đối tác đầu tư có kiến thức và kinh nghiệm trong ngành dược liệu hoặc dược phẩm bằng các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hình thức hợp tác này có thể cung cấp không chỉ nguồn tài chính mà còn được cung cấp các kiến thức quản lý và mạng lưới kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Huy động nguồn đóng góp từ các thành viên HTX hoặc liên kết với các cá nhân, tổ chức khác trong cộng đồng địa phương để chia sẻ tài chính và nguồn lực: các đơn vị, tổ chức cá nhân cung cấp cây giống, cung cấp vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp giảm bớt gánh nặng tài chính đối với một cá nhân hoặc đơn vị sản xuất. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực cho các chương trình, dự án như: Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030; các nguồn vốn hợp pháp khác; Đề án “Mô hình phát triển các sản phẩm OCOP dược liệu gắn với vùng nguyên liệu địa phương tại xã Yên Trị, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình” giai đoạn 2024-2030; Dự án Sản xuất dược liệu Cà gia leo theo chuỗi liên kết” tại Đa Phúc và Bảo Hiệu năm 2024 và 2025./.