DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Yên Thủy: Kịp thời chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

10/06/2024 11:18
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thủy, tới nay tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Yên Thủy có khoảng 45 nghìn con. Trên địa bàn huyện có 01 trang trại tập trung công nghiệp quy mô lớn, nuôi lợn nái sinh sản. Bên cạnh đó số lượng trang trại chăn nuôi quy mô vừa và quy mô nhỏ đang có xu hướng phát triển mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 36 trang trại chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ với tổng số lợn nuôi khoảng 1.056 lợn nái, 2.750 lợn thịt.
Kiểm tra bệnh dịch tả Châu Phi tại xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy

Theo thống kê, năm 2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra trên địa bàn 12 xã của huyện Yên Thủy, phải tiêu hủy 1.622 con lợn. Năm 2020, bệnh DTLCP xảy ra tại 09 xã, tiêu hủy 1.235 con lợn. Năm 2021 bệnh DTLCP xảy ra tại 08 xã, thị trấn phải tiêu hủy  3.281 con lợn. Năm 2022, bệnh DTLCP xảy ra tại 03 xã, thị trấn, phải tiêu hủy là 163 con lợn. Năm 2023, bệnh DTLCP xảy ra tại 07 xã, thị trấn, phải tiêu hủy là 584 con lợn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện ghi nhận bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 14 xóm/ khu phố thuộc 4 xã: Đoàn Kết, Hàng Trạm, Hữu Lợi, Phú Lai. Tổng số lợn ốm, tiêu hủy là 96 con, trọng lượng tiêu hủy là 5.472 kg. Dịch đang có chiều hướng gia tăng và lây lan diện rộng tại xã Đoàn Kết và Hữu Lợi so với cùng kỳ năm 2023.

Để chủ động kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phát sinh, lây lan, UBND huyện đã ban hành công văn yêu cầu Trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định (theo Hướng dẫn số 475/HD-SNN ngày 02/7/2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và phun tiêu độc khử trùng; phun khử trùng tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời; chôn hủy lợn bệnh; chọn địa điểm và quy cách hố chôn lợn bệnh).

Yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tham mưu cho UBND huyện thành lập các đoàn công tác trực tiếp xuống cơ sở có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để kiểm tra, đôn đốc các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp với các lực lượng liên quan, chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển lợn để nuôi thương phẩm mua bán trôi nổi trên địa bàn; lợn đưa vào giết mổ và các sản phẩm của lợn tiêu thụ trên thị trường, nhằm ngăn chặn nguy cơ bệnh dịch tái phát, lây lan. Kịp thời tham mưu Quyết định công bố khi xảy ra dịch và công bố khi hết dịch theo quy định của Luật Thú y; Phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; Tham mưu Lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời hoặc thành lập đội cơ động phòng, chống dịch theo thẩm quyền. Tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và phối hợp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp: Cử cán bộ kỹ thuật chuyên ngành chăn nuôi - Thú y trực tiếp xuống cơ sở có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch dây dưa tái phát. Khi phát hiện ổ dịch phối hợp với địa phương lấy mẫu máu xét nghiệm theo quy định của Luật Thú y. Tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi An toàn sinh hoạch cho người chăn nuôi. Hướng dẫn người chăn nuôi, thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, góp phần bảo đảm ổn định sản xuất chăn nuôi trên địa bàn huyện. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát đàn lợn, hướng dẫn tiêm phòng vắc xin DTLCP, Dịch tả cổ điển và vắc xin phòng bệnh khác cho đàn lợn theo nhu cầu của người chăn nuôi.

UBND huyện yêu cầu  Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn: Đối với các địa phương đang có dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Thành lập đoàn công tác do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, thị trấn làm trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở; đồng thời xử dụng có hiệu quả đội ngũ Thú y cơ sở phối hợp trực tiếp với các xóm/ khu phố có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch dây dưa tái phát. Xử lý dứt điểm các ổ dịch không để dịch lây lan diện rộng và không để phát sinh ổ dịch mới. Huy động nguồn lực, nhân lực tại chỗ và bố trí kinh phí cho các hoạt động chống dịch xảy ra trên địa bàn; gắn trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để xảy ra dịch hoặc để dịch lây lan do lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch tại địa bàn. Thực hiện chốt kiểm dịch động vật tạm thời hoặc thành lập đội cơ động phòng, chống dịch theo thẩm quyền để kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong ổ dịch, vùng dịch; các phương tiện giao thông ra, vào nơi có dịch cần được việc vệ sinh, khử trùng tiêu. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh động vật như: tiêu thụ, mua bán, giết mổ động vật bệnh làm thực phẩm; vứt xác động vật chết ra môi trường gây ô nhiễm,…làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.  Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, góp phần bảo đảm ổn định sản xuất chăn nuôi trên địa bàn.

Thống kê, rà soát, giám sát để kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Đặc biệt cần thực hiện công khai, minh bạch việc tiêu hủy lợn bệnh, chết tại ổ dịch, yêu cầu phải thiết lập biên bản đầy đủ về chủng loại, số lượng, trọng lượng lợn bị chôn hủy và các thành phần tham gia ký xác nhận. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng để người dân nhận biết chủ động hợp tác trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tránh gây hoang mang và tẩy chay các sản phẩm của lợn (bệnh không lây sang người); nêu rõ các biện pháp xử lý lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch lây lan diện rộng.

Đối với những địa phương chưa có dịch: Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh; khi có lợn ốm, nghi DTLCP kịp thời báo cáo với cơ quan chuyên môn, phối hợp tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Bố trí kịp thời kinh phí để triển khai ngay các biện pháp bao vây, khoanh vùng, dập dịch theo quy định. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, về tính chất nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng; hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp thực hành chăn nuôi tốt, an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất sát trùng. Chỉ đạo công an viên, thú y cơ sở phối hợp với lực lượng chức năng chủ động tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn theo quy định; lợn giống mua về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng được kiểm dịch theo quy định hoặc xuất phát từ địa phương không có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phù hợp với lứa tuổi lợn theo quy định của Luật thú y./.