DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Yên Thủy: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

11/05/2023 16:10
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của Huyện Yên Thủy tiếp tục có những bước tiến vững chắc, ổn định, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh. Thành quả đó có được một phần nhờ việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Yên Thủy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất bưởi

Đến nay, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện được thực hiện tại các HTX, Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp đã mang lại thu nhập cao hơn so với sản xuất truyền thống. Toàn huyện hiện có 01 công ty; 6 HTX ; 01 tổ hợp tác và 01 hộ gia đình  thực hiện việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là công nghệ tưới tự động.  Tiêu biểu như: HTX Nông lâm nghiệp Bảo Hiệu, xã Bảo Hiệu sản xuất giống cây cà gai leo có nhà lưới, sử dụng công nghệ tưới tự động phun sương; HTX Nông nghiệp xóm Hổ 1 xã Ngọc Lương trồng rau sử dụng nhà lưới, hệ thống tưới tự động; HTX Nông nghiệp Hòa Phát, xã Đa Phúc, trồng Chanh Leo và Ớt Xuất khẩu, quy mô 5 ha, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt…

Nhìn chung, công nghệ tưới tự động, tưới nhỏ giọt và tưới bón phân tự động đảm bảo cây luôn được cung cấp độ ẩm, chất dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển trong điều kiện lý tưởng khi thời tiết khô hạn, giảm chi phí công lao động, cho năng suất cao. Giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt từ 250-300 triệu đồng/ha/năm, đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giúp nông dân làm giàu.

Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ngày càng đa dạng. Việc ứng dụng công nghệ cao song hành với chương trình OCOP đã giúp huyện Yên Thủy có 17 sản phẩm OCOP được chuẩn hoá nâng hạng gồm: Cao xạ đen - Chủ thể HTX Nông nghiệp Yên Trị; Trà túi lọc Cà gai leo - Chủ thể THT xóm Nhuội;  Bột cà gai leo hòa tan - Chủ thể: HTX Nông lâm nghiệp Bảo Hiệu; Mật ong: Chủ thể: HTX Nông nghiệp Yên Tân; Bưởi diễn, chủ thể: Hộ gia đình ông Hoàng Anh Việt, xóm Yên Thời xã Hữu Lợi;  Dầu vừng đen - Chủ thể: HTX Nông nghiệp an toàn Yên Thủy; Mật ong Lạc Sỹ, Chủ thể: HTX Nông nghiệp Lạc Sỹ; Cao cà gai leo Yên Thủy - HTX Nông lâm nghiệp Bảo Hiệu; Mật ong Lạc Sỹ, Chủ thể: THX nông nghiệp Lạc Sỹ; Mật ong Đoàn Kết, chủ thể HTX Nông nghiệp Đoàn Kết; Bột Khoai sọ, chủ thể HTX nông nghiệp Thịnh Phát Yên Trị; Hành tăm muối, chủ thể HTX nông nghiệp Phú Lai; Trà túi lọc mâm sôi tím-cà gai leo, chủ thể HTX NLN Bảo Hiệu; Cao Dạ cẩm, chủ thể HTX NN Yên Trị.

Tuy nhiên, việc ứng dụng nông nghiệp Công nghệ cao trên địa bàn huyện còn ít, chưa có chương trình, dự án đầu tư của  khoa học công nghệ cho phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện. Nguồn vốn đầu tư cho CNC của các doanh nghiệp, HTX, THT còn thấp; nhân lực cho phát triển CNC còn hạn chế…Thời gian tới, huyện định hướng phát triển mạnh hơn việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, với trọng tâm gắn với chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp. Tiếp tục ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân tự động, bán tự động trong các hệ thống nhà lưới, nhà màng. Đồng thời ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong lĩnh vực chăn nuôi tập trung. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Có chính sách khuyến khích, ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ công sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện; phát triển các hình thức đối tác công tư, hợp tác công tư. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, HTX, THT nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, trình độ của lao động nông thôn. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp. Đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đào tạo, huấn luyện công nhân, kỹ thuật viên công nghệ cao. Tiếp tục hoàn thiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã có. Cần tập trung phát triển hiệu quả mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà băng), tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh cơ giới hóa. Chú trọng phát triển thị trường nội địa, quảng bá, giới thiệu các mặt hàng truyền thống có sức cạnh tranh với thị trường ngoại tỉnh, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông nghiệp công nghệ cao./.