DetailController

Văn hóa

Ý nghĩa của lễ thức“ Cuổi lìa” trong Mo Mường Hòa Bình

14/12/2018 00:00
Mo là nghi lễ tín ngưỡng được tổ chức trong đám ma của người Mường. Mo thuộc lọai nghi lễ vòng đời, gắn với cái chết của con người. Mo có quá trình hình thành, tồn tại và vận động lâu dài, vừa là sản phẩm vận dụng, sáng tạo các giá trị văn hóa Mường truyền thống vừa là hiện tượng xã hội phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người Mường trong suốt lịch sử hàng ngàn năm của họ. Mo hình thành từ ứng xử của người Mường trong giải quyết vấn đề về cái chết. Cũng như mọi dân tộc khác, ứng xử đó xuất phát từ quan niệm tìm một thế giới khác cho người chết, do con người không dễ dàng chấp nhận sự mất đi vĩnh viễn của đồng loại mình. Tuy nhiên, trong ứng xử đầy tính nhân văn này, việc tìm ra thế giới tồn tại cho người chết của mỗi dân tộc là khác nhau và người Mường cũng có quan niệm riêng của mình.

Mo Mường gồm 14 lễ thức cơ bản, cụ thể gồm: 1 Toống Tlùng (Tống Trùng); 2 Kẹ (Cúng thần Kẹ); 3 Tạp ma (Đạp ma); 4 Nhương ăn ( Dâng ăn); 5 Dâật (Gọi Mo dậy); 6 Nhìn họ (Nhìn họ);  7 Mo Leeng tlời – thuống tất (Mo lên trời- xuống đất); 8 Mo tlêu (Mo kể chuyện); 9 Mo Nhà xe (Mo Nhà xe); 10 Cuổi tếch, cuổi lìa (Chia cắt chìa lìa); 11 Wềl rừng (Về rừng); 12 Chia của (Chia của); 13 Lấp cửa mả (Lấp cửa mả); 14 Tả tem (Bỏ tang). Mười bốn nghi thức này phản ánh đầy đủ quan niệm và cách ứng xử của người Mường với xác chết và linh hồn.

Với góc độ của bài viết, tôi xin trình bày ý nghĩa của lễ thức mo “Cuổi lìa”. Đây là một trong mười bốn lễ thức mo mang giá trị nhân văn rất sâu sắc của Mo Mường.

“Mo táy, mo lìa”  hay còn gọi là mo “Cuổi lìa” là mo mang nội dung lời của người quá cố dặn dò lại con cháu trong đêm cuối của tang lễ người Mường. Trong đêm cuối cùng của tang lễ, Ông mo cất lên những lời mo với làn điệu hết sức da diết, thống thiết:

“Con trai ta ở lại

Con gái ta ở lại ngày sau

Con anh phải xem đụn

Con em, con chị phải biết trông nhà

Xem gà, ngó lợn

Giữ lửa, chăm nước con ơi

Để cho người từ ngoài đồng trông vào nhà con ta

Thấy dường như còn có bố con ời”.

………………………………………………………..

“Con anh, con em, còn ở chung đụn, chung nhà

Con chị có mắng nhiếc

Con em phải nhẫn nhìn

Dường như thể tai điếc đấy con ời”.

…………………………………………………………

“Con anh, con em còn ở chung đụn, chung nhà

Đầm ao, bờ ruộng chung bờ, chung lối

Náu nắng phải chung bóng râm

Trâu bò nhà ta phải chung một áng con ời”

Những lời lẽ đó là mong muốn của người quá cố dặn dò lại con cái phải biết đùm bọc yêu thương lẫn nhau, bảo ban nhau làm ăn. Anh em còn ở chung một nhà phải biết nhường nhịn nhau, người anh, hoặc người chị có quyền thay cha mẹ dạy bảo, uốn nắn  thậm chí là mắng nhiếc người làm em nhưng trên tinh thần “Náu nắng phải chung một bóng râm”. Hiểu rộng ra câu ấy có nghĩa là dù anh có mắng em đi chăng nữa nhưng vẫn phải luôn yêu thương em, che mưa, che nắng cho nhau chứ không được để bụng, thù hằn.. Đặc biệt người quá cố còn dặn dò con cái phải chăm lo làm ăn, nuôi gà, nuôi lợn, trâu bò, phải biết cày bừa, cấy hái làm nương, làm rẫy xen canh canh tác.

“Thấy con nhà người ta vác bừa, vác cày

Con ta cũng phải vác bừa, vác cày

Con ta phải mải miết làm cơm, làm lúa thì mới có

Phải mải miết với ruộng với nương thì mới sang

Đừng làm những trò ham chơi, lười nhác

Lười nhác sẽ tới cảnh đói kém

Khi đói kém mất trâu đi mua nhà mà chẳng được lúa

Mất bò đi chác mà chẳng được mạ đâu con ời

Con ta rắc mạ ở đâu thì phải rào

Thấy trâu vào phải đuổi”

……………………………………..

“Mỗi ngày đông lên một thứ

Như trăng mọc ngày rằm”

………………………….

Lời mo còn dăn dạy con cái đạo đức làm người, giữ gìn nhân cách, nhân phẩm, “đói cho sạch, rách cho thơm”, tuyệt đối không đi ăn trộm, ăn cắp.

“Con ta không được đi ăn trộm cái gùi lá dâu

Con ta không được đi ăn trộm măng

Con ta không được đi ăn trộm rau mà người ta mắng nhắc

Mắng nhở đến cha mà thương con ời

Con ta không được đi ăn trộm trâu

Con ta không được đi ăn trộm bò

Con ta không được nói xấu con dâu, con rể”.

Người quá cố còn căn dặn những việc làm kiêng kỵ sau khi họ mất, những điều kiêng kị ấy để tránh điềm ma, điềm xấu. Việc kiêng kỵ là để con cái trong nhà có sức khỏe tốt hơn, làm ăn thuận và cuộc sống sung túc, ấm cúng hơn.

“Nếu con rẽ lợn con khỏi lợn mẹ đúng vào ngày cha về rừng

Ngày ấy hay phải điềm ma, điềm xấu

Con rẽ gà con khỏi gà mẹ vào ngày cha về rừng

Gà phải miệng cu, miệng cáo

Con ta ủ rượu ngày cha về rừng

Rượu hay chua

Con ta trồng củ ngày cha về rừng nó không ra ngọn

Trồng củ từ ngày cha về rừng nó không lên

Đánh cối đục đuông ngày cha về rừng giã gạo không hết lúa

………………………………………………..

Con trai con gái ta lấy vợ lấy chồng ngày cha về rừng

Thành đôi nhưng không thành lứa

Nên cửa nên nhà nhưng không người nối dõi”

  Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay, Mo Mường vẫn có sức sống bền bỉ với dân tộc Mường. Giới nghiên cứu cũng khẳng định, Mo Mường đã góp phần hình thành, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn của bao thế hệ nhân dân giàu truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và vùng đất Hòa Bình.

Mo Mường là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện thiết tha tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu quê hương xứ sở, thể hiện khí phách, cốt cách của con người và vùng đất miền núi bản Mường ở Hòa Bình. Mo Mường chính là tính cách, là tâm hồn và đạo nghĩa của dân Mường. Từ quá khứ đến hiện tại, các thế hệ người Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy một cách bền vững những giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống, sức lan tỏa sâu rộng của di sản phi vật thể vô cùng quý giá này.