Ngày 28 tháng 10 năm 2014, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Báo cáo thẩm tra dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hộ tịch. Góp ý vào Dự thảo Luật các ý kiến cơ bản đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật hộ tịch. Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn Hòa Bình góp ý vào các nội dung cụ thể đó là:
Thứ nhất, về thẩm quyền đăng ký hộ tịch được quy định tại Điều 5 của Dự thảo Luật. Tôi hoàn toàn thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật về việc quy định giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền đăng ký đối với một số sự kiện hộ tịch có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới, đất liền để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Các sự kiện hộ tịch có yếu tố nước ngoài khác sẽ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã. Tuy nhiên, cá nhân tôi nhận thấy các nội dung quy định tại Điều 5, Chương I đã thể hiện đầy đủ thẩm quyền về đăng ký hộ tịch, nếu gọi đầy đủ là đăng ký sự kiện hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã cũng như Ủy ban nhân dân cấp huyện. Vì vậy, khi nghiên cứu nội dung tại các Chương II, Chương III, theo tôi để ngắn gọn và tránh trùng lặp thì không nhất thiết phải nhắc lại những nội dung đã có ở Chương I. Vì vậy, tôi kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét, loại bỏ đi 5 điều thuộc Chương II, cụ thể là các Điều 13, 17, 19, 24, 32, quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký giám hộ, đăng ký nhận cha, mẹ, con nuôi với công dân Việt Nam của Ủy ban nhân dân cấp xã. Vì các nội dung này đều đã được quy định tại Khoản 1, Điều 5, Chương I.
Tương tự, xem xét, loại bỏ đi 5 điều thuộc Chương III, cụ thể là các Điều 35, 37, 39, 43, 51, quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký giám hộ, đăng ký nhận cha, mẹ, con nuôi đối với trường hợp có yếu tố nước ngoài. Vậy, theo tôi có thể giảm bớt được 10 điều của dự thảo luật mà không gây ảnh hưởng gì tới các nội dung, cũng như phạm vi điều chỉnh của luật. Vì các điều này không quy định điều gì mới so với nội dung của Điều 5, Chương I. Đồng thời, để đảm bảo tính logic, cần đổi tên các Mục 1, Chương III, hiện đang là "đăng ký khai sinh" thành "đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài", tương tự với các Mục 2, 3, 4.
Thứ hai, về việc cấp giấy khai sinh được quy định tại Điều 16, 36. Tôi thống nhất với loại ý kiến thứ nhất của các đại biểu Quốc hội, cũng như ý kiến của đại biểu Hồ Thị Thủy đoàn Vĩnh Phúc, đại biểu Huỳnh Sang đoàn Bình Phước v.v... về việc tiếp tục thực hiện giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như các phân tích các đại biểu đã nêu. Tuy nhiên, về trách nhiệm đăng ký khai sinh và các thủ tục đăng ký khai sinh được quy định tại các Điều 15, 16. Tôi đồng quan điểm với đại biểu Pờ Hồng Vân, Đoàn Lai Châu cần quy định cụ thể trong luật thủ tục và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi. Có thể nói, các nội dung về thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em đã được quy định và các trường hợp, kể cả trường hợp trẻ em ngoài giá thú bị bỏ rơi hoặc sinh theo phương pháp khoa học đã được quy định tại Khoản 1, Điều 16. Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ hơn nữa, Dự thảo Luật còn đưa ra Khoản 3, Điều 16 trong đó có nêu Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ chưa xác định một bên cha, mẹ trẻ sinh ra trong mang thai hộ, theo tôi là nên quy định chi tiết luôn cho các trường hợp này trong luật, vì những lý do sau: Thời gian qua, qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đều biết việc tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ lang thang cơ nhỡ tại các nhà chùa, thể hiện truyền thống văn hóa nhân văn tốt đẹp của nhân dân ta. Tuy nhiên, khi đối chiếu với các quy định pháp lý hiện hành thì còn nhiều điều đáng phải bàn, vì nhiều nhà chùa chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện thành lập đối với một cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định. Chẳng hạn như sự việc xảy ra tại chùa Bồ Đề trong thời gian qua. Đặc biệt qua rà soát, kiểm tra thì nhận thấy việc tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Bồ Đề vào thời điểm đó đang chăm sóc là 112 trẻ em, nhưng có tới 80 trẻ em chưa được đăng ký khai sinh, chưa được thực hiện quyền cơ bản của mình theo quy định của pháp luật. Việc chưa được đăng ký khai sinh của các em sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các thủ tục pháp lý cho việc được nhận làm con nuôi cũng như quyền được nhận làm con nuôi của các em, quyền được có một mái ấm như bao trẻ em khác và đã được quy định tại Công ước về quyền trẻ em của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã cam kết tham gia Công ước này. Khi phát hiện ra sự việc, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận Long Biên đã tích cực giải quyết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là cơ quan nào phải chịu trách nhiệm và trước việc 80 trẻ em không được thực hiện quyền cơ bản của mình, nếu đối chiếu với các điều khoản quy định như trong dự thảo luật tại các Điều từ 65 đến 71 thuộc Chương VI về trách nhiệm quản lý Nhà nước về hộ tịch và công chức hộ tịch thì tôi thấy còn rất chung chung với sai phạm cụ thể như vậy, nhưng rất khó chỉ ra cụ thể là ai, là người chịu trách nhiệm, thậm chí phải bồi thường hay xử phạt hành chính là bao nhiêu thì cũng chưa được rõ.
Theo số liệu đăng trên báo Pháp luật ngày 31-7-2014 và thống kê chưa đầy đủ, qua rà soát 32 tỉnh, thành phố trên cả nước hiện có 1.133 trẻ em đang được nuôi dưỡng trong các nhà chùa và cơ sở tôn giáo, trong đó, chỉ có duy nhất một cơ sở tôn giáo ở Giáo xứ Hoàng Nguyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là được ra quyết định trở thành trung tâm nuôi dưỡng trẻ em, chăm sóc trẻ em chính thức. Vậy là trong số 1.133 trẻ em chưa được đăng ký khai sinh, và cơ quan nào chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Đây là một dự án luật có phạm vi điều chỉnh vô cùng lớn, tác động đến mọi người dân theo suốt chiều dài cuộc sống và gắn với những sự kiện quan trọng nhất của đời người. Dự án Luật Hộ tịch có một vị trí quan trọng tạo một cơ chế thể hiện sự trân trọng của nhà nước đối với việc thực hiện quyền con người, quyền công dân thiết yếu của mỗi cá nhân và sự cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp về việc ban hành bằng luật những vấn đề quyền con người. Vì vậy, tôi mong Ban soạn thảo bổ sung các quy định thật cụ thể và khả thi vào Chương VI về trách nhiệm cũng như các chế tài, các hình thức thanh tra, kiểm tra, xỷ lý đối với các cơ quan chức năng và các cá nhân có trách nhiệm, nếu để buông lỏng quản lý dẫn tới việc không đảm bảo các quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của các cá nhân mà đặc biệt việc đănng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ ngoài giá thú, trẻ lang thang cơ nhỡ để đảm bảo chấm dứt những hiện tượng như đã nêu ở trên.