DetailController

Uỷ ban nhân dân Tỉnh

Xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã

28/07/2022 00:00
Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều hợp đồng mua bán sản phẩm, liên doanh, liên kết được ký. Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh đang tích cực đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 57 sản phẩm của 51 hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; 32% hợp tác xã có sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hữu cơ; 64 chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm bền vững. Đó là những lợi thế để hợp tác xã tìm kiếm đối tác uy tín thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thực tế, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hợp tác xã chủ động, linh hoạt tìm kiếm đối tác để tiêu thụ sản phẩm.

Nhằm triển khai các hoạt động thiết thực giúp các cơ sở kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp cận trực tiếp các nhà phân phối trên thị trường để hợp tác, liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, tỉnh đã tổ chức một số chương trình xúc tiến thương mại quy mô cấp tỉnh như: Hội chợ nông nghiệp, sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc; Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi và nông thủy sản an toàn, chất lượng tỉnh Hòa Bình, tại siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội); Tuần lễ hàng nông sản tại hệ thồng Siêu thị VinCom (Hà Nội). Các Chương trình đã tạo điều kiện để cho hợp tác xã quảng bá, giới thiệu hàng hóa đến cộng đồng trong và ngoài tỉnh; tạo cơ hội giao thương, liên kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường.

Các hoạt động xúc tiến thương mại trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục trong các năm, vừa giúp quảng bá hình ảnh, mẫu mã, phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa, vừa giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xác. Cụ thể, năm 2017, tỉnh tổ chức 8 Hội chợ thương mại tại các huyện. Năm 2018, triển khai Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình thông qua hỗ trợ 3 hợp tác xã trong công tác tham gia kết nối cung cầu, xây dựng website, bảo hộ thương hiệu; giới thiệu Hợp tác xã Hà Phong hợp tác đưa Cam Cao Phong lên các chuyến bay Vietnam Airlines. Năm 2019, tỉnh tổ chức, tham gia 4 chương trình xúc tiến thương mại lớn. Năm 2020 và 2021 tỉnh tổ chức Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020, trong đó đã công nhận và trao giấy chứng nhận cho 4 hợp tác xã. Thông qua các hoạt động, sản phẩm của tỉnh đã có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, nhiều hợp đồng kinh tế được ký kết.

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã bố trí hơn 1,7 tỷ đồng ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 170 lượt hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia các hội nghị, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Chủ trì tổ chức 3 chương trình xúc tiến thương mại lớn; 10 hội nghị kết nối cung cầu phát triển vùng nguyên liệu theo nhóm ngành, hàng;10 cuộc làm việc hiện trường đưa hợp tác xã và doanh nghiệp gặp gỡ, tổ chức các đợt bán hàng lưu động cho hợp tác xã. Đặc biệt từ năm 2021, để thích ứng với tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã thành lập tổ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã. Họp Zoom trực tuyến hàng tuần nắm bắt khó khăn vướng mắc và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã. Hướng dẫn hợp tác xã bán hàng online, liên kết đưa sản phẩm hợp tác xã lên Sàn giao dịch điện tử Sendo, Voso, Postmart. Hỗ trợ xây trang kết nối cung cầu của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và giúp nhiều Hợp tác xã ký kết được hợp đồng tiêu thụ, một số đưa được hàng hóa vào các Siêu thị lớn như: CoopMart, BigC… Trung bình có 25 hợp tác xã/năm được hỗ trợ kinh phí.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động xúc tiến thương mại còn một số khó khăn do số lượng các sản phẩm không nhiều, quy mô hoạt động của hợp tác xã nhỏ lẻ. Đa số các hợp tác xã chưa chú trọng xin cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu nên tính cạnh tranh sản phẩm chưa cao.

Để khắc phục hạn chế trên, Liên minh hợp tác xã tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò hoạt động xúc tiến thương mại đối với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo sự chủ động và tích cực trong việc tham gia của các hợp tác xã. Đồng thời thường xuyên khảo sát đánh giá quy mô, năng lực các hợp tác xã hoạt động để có thông tin làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho qua trình tư vấn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Bản thân các hợp tác xã cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã; chủ động hình thành các khu vực sản xuất tập trung, có chất lượng đồng nhất và năng động trong tìm đầu ra cho sản phẩm./.