DetailController

Tin từ các đơn vị

Xúc tiến thương mại góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh

05/04/2021 00:00
Giai đoạn 2019-2020, hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến tích cực trong tiêu thụ và đạt được một số kết quả quan trọng. Đến nay, nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh đã được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Một số sản phẩm như Cam Cao Phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, Rau hữu cơ Lương Sơn, hạt sachi,... đã vào được hệ thống siêu thị Trung tâm thương mại BigC, Hapro Mart, Coop Mart, Lotte.
Gian hàng nông sản của tỉnh được giới thiệu tại Hà Nội thu hút đông đảo người dân và du khách.

Kết quả trên là sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác quảng bá, giới thiệu và phát triển thị trường cho các sản phẩm nông lâm thủy sản. Các hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, như phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương, của tỉnh để xây dựng các phóng sự/tin bài giới thiệu các sản phẩm trong chuỗi giá trị; hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Hội chợ, Tuần lễ do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp và các tỉnh, thành phố Hà Nội tổ chức. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường về chứng nhận an toàn thực phẩm, tỉnh xây dựng hệ thống hb.check.net.vn đã phát huy hiệu quả trong truy xuất nguồn gốc xác thực chống hàng giả và kết nối cung cầu. Thông qua hệ thống, các doanh nghiệp đã kịp thời giới thiệu sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn tới người tiêu dụng. Đồng thời, giúp người tiêu dùng kiểm tra hàng hóa một cách nhanh chóng và chính xác, nhận biết được hàng thật, hàng giả, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Hiện có 70 Doanh nghiệp/Hợp tác xã và 400 sản phẩm được đăng nhập, quảng bá trên hệ thống.

Các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng hỗ trợ cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thực hiện tốt quy trình nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, Hữu cơ, góp phần vào việc hình thành các vùng sản xuất nông sản an toàn, tạo ra các sản phẩm có chất lượng và được kiểm soát, thúc đẩy việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hiện tại, cơ quan chức năng đang hỗ trợ và cấp giấy chứng nhận cho 110 cơ sở áp dụng VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ, bao gồm: 61 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với quy mô 2.642 ha, 7 cơ sở được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ trong trồng trọt với quy mô 39,5ha, 17 cơ sở chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản với quy mô 1.403 lồng, 3 cơ sở Chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi ong với quy mô 2.500 đàn, 23 cơ sở chăn nuôi chứng nhận VietGAP (gà, lợn) với quy mô 1.155,75 tấn sản phẩm/năm.

Trong 2 năm,tổng kinh phí thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản là 14 tỷ/18 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch. Kết quả đã có 60 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn được xây dựng. Đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cá sông Đà quy mô được kiểm soát theo chuỗi đạt 50,34%, đạt 2.366 lồng/4.700 lồng, bằng 125% sokế hoạch; sản phẩm quả có múi đạt 50,03%, đạt 3.702,48ha/7.400 ha, bằng 83,3% so kế hoạch. Phát triển 5 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm tại thành phố Hòa Bình, Lương Sơn và Lạc Thủy.

Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại khi triển khai, tỉnh xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là: Xây dựng vùng nguyên liệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; thu hút nguồn lực cho nông nghiệp; triển khai đồng bộ các giải pháp về chính sách và nguồn vốn thực hiện. Qua đó, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, phát triển bền vững thị trường hàng nông sản trong nước và phát triển thị trường nước ngoài./.