DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Xuân về trên các bản định canh đinh cư Hòa Bình

19/02/2013 00:00

Mùa xuân này cuộc sống của nhiều hộ gia đình du canh du cư trước đây giờ đã đổi thay.

Qua 5 năm triển khai theo Quyết định số 33/2007của Thủ tướng về Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư (ĐCĐC) cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Hòa Bình đã sắp xếp ĐCĐC xem kẹp cho 94 hộ ở các làng bản trên địa bàn về nơi ở mới.

Bên cạnh đó, hai điểm ĐCĐC cũng đã được xây dựng tập trung để tiếp nhận 68 hộ; trong đó, một điểm tại bản Cang, xã Pà Cò, huyện Mai Châu cho đồng bào dân tộc Mông và một điểm tại khu suối Kẻ, xóm Mít, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc cho đồng bào dân tộc Mường, Dao, Tày. Hầu hết các hộ trên đều có nhà mới, có điện thắp sáng, có công trình công cộng, có đường giao thông mới, trẻ em có nơi vui chơi và học hành tử tế.

Anh Bùi Văn Tình cho biết: Trước đây gia đình tôi ở tít trên các đỉnh đồi, đỉnh núi, nay đây mai đó, con cái cũng không được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống khó khăn lắm, lương thực trồng cũng chả ai đến mua vì đường giao thông không có.

Thậm chí, Tết năm 2006 gia đình phải đi vay lãi ở ngoài 100 nghìn đồng, mới có cơm để ăn. Từ khi được nhà nước hỗ trợ xây nhà, sống xem kẹp với các hộ gia đình dân trí cao hơn, lại có đất sản xuất gia đình tôi cũng đỡ khó khăn, con cái được mở mang đầu óc, được đến trường, đến lớp, có thêm nhiều bạn bè, gia đình không còn cảnh phải đi vay tiền để ăn Tết nữa. Tết năm nay, gia đình tôi cũng có con gà thắp hương tổ tiên.

Men theo con đường bê tông cứng hóa mới được làm, PV có mặt tại khu tái định cư (TĐC) suối Kẻ xóm Mít, huyện Đà Bắc; đây là một trong những dự án TĐC tập trung của tỉnh Hòa Bình cho đồng bào các dân tộc thiểu số du canh du cư. Khu TĐC có diện tích đền bù là 27 ha với tổng mức đầu tư là 18 tỷ đồng.

Hiện nay, khu TĐC đã xây dựng được hai công trình đường giao thông; một công trình bai kênh mương để lấy nước phục vụ sản xuất cho bà con; một công trình điện và công trình nước sinh hoạt. Khu TĐC này đã tiếp nhận 28 hộ sống DCDC tại khu vực suối Nhạp, xã Đồng Ruộng, còn lại 12 hộ khác thuộc diện chương trình 134.

Ông Phạm Tiến Dũng, Chi cục Phó, Chi cục Định canh, định cư thuộc Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: Khoảng hơn hai tháng trước Tết Nguyên đán, khu TĐC tập trung suối Kẻ trở lên nhộn nhịp hẳn. Đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Tày sau nhiều năm sống DCDC tại khu vực suối Nhạp, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc đã chuyển về những ngôi nhà mới tại đây.

Nhìn bà con vui khiến những người làm dự án vui lây. Thời gian đầu bà con còn “lạ nước, lạ cái” nên gặp không ít khó khăn trong cuộc sống nhưng với sự tương trợ lẫn nhau cũng như hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã dần cuộc sống của bà con dần cũng đã cơ bản ổn định. Tết này, bà con đồng bào không phải đón xuân trong những ngôi nhà tạm bợ, bốn bề là núi, rừng mà đã có hàng xóm, láng giềng, trẻ em có chỗ để vui chơi.

Trước đây, sống xa khu dân cư, cuộc sống kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt cá ở sông nên rất khó khăn. Trong khi đó, đường vào bản chỉ là đường mòn, trèo đèo, lội suối, nước sinh hoạt hàng ngày được lấy tại các vách núi, sông; không được dùng nước hợp vệ sinh như ở khu TĐC này.

Từ khi đến khu TĐC mới này, gia đình được Đảng và Nhà nước hỗ trợ 300 m2 đất ở và 4.000 m2 đất sản xuất, hỗ trợ kinh phí làm nhà 9 triệu đồng/hộ; hỗ trợ di chuyển 3 triệu đồng; mắc điện 1 triệu đồng; làm bể nước 1 triệu đồng. Ngoài ra, còn được hỗ trợ lương thực 100.000 đồng/tháng, trong sáu tháng đầu tiên và hỗ trợ phát triển sản xuất. Tết này là Tết đầu tiên gia đình ông Thống thấy vui sướng và hạnh phúc nhất.

Không chỉ giải quyết vấn đề DCDC cho đồng bào dân tộc thiểu số mà từ khi được chuyển đến nơi ở mới nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo, con em được theo học tại môi trường tốt hơn. Em Đinh Công Thắng, dân tộc Mường vừa chuyển về nơi ở mới tại suối Kẻ, xóm Mít cho biết: Trước đây em học tại trường suối Nhạp, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc.

Mặc dù trường chỉ cách nhà hơn một km, nhưng đi lại vất vả do phải vượt đèo, suối; cơ sở vật chất phục vụ dạy và học cũng khó khăn, lớp dựng bằng tre, vách nứa, chỉ có 2 học sinh học trong một lớp. Từ khi về đây học, em có thêm nhiều bạn mới, cơ sở phục vụ dạy học tốt hơn, và học tập cũng tốt lên.