Biết tôi có ý định lên xã Pà Cò (huyện Mai Châu), nhiều người xua tay ngăn cản bởi cách đây chưa lâu, nơi này vẫn là điểm nóng về ma túy ở Tây Bắc. Lại có người thích đi du lịch, ưa khám phá thì hết lời ngợi ca cảnh đẹp nơi đây. Tò mò, háo hức, tôi lên đường.
Vượt dốc
Lỡ hẹn với Pà Cò đã bao lần, lần này, chị bạn đi cùng tôi bảo: Dù trời rung đất chuyển cũng phải lên đường. Nhưng trời vẫn muốn thử lòng người. Buổi sáng khi chúng tôi xuất phát từ Hà Nội, mưa và lạnh đến buốt người, trong khi cả tuần trước thời tiết nắng ấm và khô ráo.
Con đường dẫn về Pà Cò – Mai Châu hun hút gió và trơn trượt bởi mưa và sương mù. Những tấm biển “đề phòng tai nạn, chú ý nguy hiểm, quanh co liên tục”... cảnh báo suốt dọc hai bên đường đi làm chị bạn tôi thoáng chút lo lắng. Sương mù dày đặc đến nỗi cách xa 100m không nhìn thấy gì. Xe ô tô con, xe tải rầm rập ngược xuôi. Hiếm hoi lắm mới thấy một chiếc xe máy đi qua trên những đỉnh dốc cheo leo, một bên là vách đá dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm... Chẳng thế mà trên quãng đường gần 200km từ Hà Nội lên Pà Cò, mỗi lần chúng tôi dừng lại hỏi đường đều nhận được ánh nhìn ngạc nhiên và cái lắc đầu ái ngại: Đường xa và khó đi lắm...
Qua huyện Tân Lạc là đến Mai Châu. Nhưng để đến được xã Pà Cò phải mất thêm gần một tiếng đồng hồ chạy xe ngược theo quốc lộ 6, vượt qua dốc Cổng Trời bởi cùng với Hang Kia, đây là hai xã sâu nhất của Mai Châu. Ở độ cao 1.000m, Pà Cò nằm gọn trong thung lũng trên núi đá. Trên nền trời âm u của một buổi chiều cuối đông, trong cái lạnh se sắt, Pà Cò đón chúng tôi bằng những rừng hoa mận bung nở. Sắc trắng tinh khôi đã tràn ngập khắp các nẻo đường phần lớn đã được bê tông hoá báo hiệu một mùa xuân ấm áp đang về.
Lúc nào cũng thấy người phụ nữ Mông bận rộn với công việc
Pà Cò hôm nay
Hỏi đường vào UBND xã từ một đám trẻ đang chơi đánh cù bên vệ đường, cậu bé lớn nhất trong hội hướng dẫn chúng tôi bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ. Chưa yên tâm, chị bạn đi cùng tôi còn ghé vào nhà một người Mông hỏi thăm.
Hỏi đường vào UBND xã từ một đám trẻ đang chơi đánh cù bên vệ đường, cậu bé lớn nhất trong hội hướng dẫn chúng tôi bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ. Chưa yên tâm, chị bạn đi cùng tôi còn ghé vào nhà một người Mông hỏi thăm.
Hơn 3 giờ chiều chúng tôi đặt chân đến UBND xã Pà Cò. Nhiều cán bộ đang đi họp Hội nghị 4 xã tiếp giáp gồm Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) và Lóng Luông, Vân Hồ (Mộc Châu, Sơn La) để bàn về việc tổ chức đón tết cổ truyền của người Mông. Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Màng hẹn chúng tôi ngồi chờ để tham dự lễ bế giảng lớp tập huấn phổ biến kiến thức diễn ra ở hội trường bên cạnh. Đây là lớp học do Ủy ban Dân tộc miền núi tỉnh Hòa Bình tổ chức để giúp người dân trong xã tăng cường hiểu biết về các vấn đề được nêu ra trong buổi học này như: chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống nghiễm HIV/AIDS, kiến thức về luật giao thông... Một ngày học chưa thể cặn kẽ được hết nhưng bí thư đoàn thanh niên xóm Trà Đáy cho biết tất cả các học viên như anh đều được phát sách để về nghiên cứu thêm...