DetailController

Văn hóa

Xuân sớm trên bản người Mông

05/01/2011 00:00

Trong những ngày này, đồng bào Mông ở hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu lại nô nức vui Xuân, đón Tết truyền thống của dân tộc mình. Tết của đồng bào Mông được tổ chức trong mười ngày đầu của tháng Chạp hằng năm. Xuân về, làm cho cuộc sống ở khắp các bản làng nơi vùng cao quanh năm mây phủ này rộn ràng hơn. Sáng mồng một Tết, trong lãng đãng của sương mù và mưa phùn từng đoàn thiếu nữ xúng xính trong những bộ quần áo đẹp nhất cùng nhau đi chơi Xuân. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các cấp các ngành trong tỉnh và huyện Mai Châu đã về vui Tết cùng bà con hai xã Hang Kia, Pà Cò càng thêm nồng ấm nghĩa Đảng, tình dân.

Các thiếu nữ Mông xúng xính trong những bộ quần áo mới đi chơi xuân.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình là người có nhiều năm gắn bó gây dựng phong trào trên vùng đất này cho chúng tôi biết: - Hai xã Hang Kia, Pà Cò có hơn 900 hộ dân, hơn 5000 nhân khẩu là người Mông sống tập trung ở 13 bản. Những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng các cấp, các ngành của tỉnh và huyện Mai Châu nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông từng bước được cải thiện. Đặc biệt là sau một năm thực hiện Đề án số 03- BC/TU ngày 14-01-2010 của Tỉnh ủy Hòa Bình về “Củng cố nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh 2 xã Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu” thì tình hình mọi mặt của hai xã này có bước chuyển biến đáng kể. Trước hết, Đảng bộ của hai xã đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ (2010 - 2015) mạnh dạn cơ cấu cán bộ trẻ vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Sau Đại hội Đảng bộ, hệ thống chính trị và các tổ chức đoàn thể ở hai xã tiếp tục được củng cố, hoạt động dần đi vào nền nếp, tạo được niềm tin trong nhân dân.

 Trong năm 2010, được sự hỗ trợ tích cực của huyện Mai Châu, đồng bào người Mông ở hai xã đã tập trung trồng ngô, dong riềng, su su, chè san tuyết và một số cây ăn quả khác cho thu hoạch khá. Phần lớn hộ gia đình trồng ngô đều có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/hộ/năm; một số ít hộ có thu nhập lên tới 60 triệu đồng/năm. Năm 2010, tổng giá trị sản xuất của xã Pà Cò ước đạt 18,54 tỷ đồng, có 20 hộ được đánh giá làm kinh tế giỏi. Tương tự, tổng giá trị sản xuất ở Hang kia ước đạt 17,26 tỷ đồng, có 17 hộ làm kinh tế giỏi. Cũng trong năm 2010, thông qua các Chương trình 135 và định canh định cư, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho hai xã gần 7,5 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông bản Cang và trường trung học cơ sở ở xã Pà Cò; công trình cấp nước sạch, hệ thống đường điện đến các xóm Thung Mặn, Thung Ằng và Thung Mài ở xã Hang Kia. Mới đây, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã bàn giao cho hai xã đưa vào sử dụng hai trạm tiếp sóng truyền hình trị giá gần ba tỷ đồng. Theo đó, đến nay đã có 10/13 bản, gần 2000 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Các cụm dân cư đều có bể chứa nước sinh hoạt. Hệ thống trường tiểu học, trung học cơ sở và trường nội trú của hai xã được xây dựng bảo đảm cho mọi trẻ em đến trường. Các trạm y tế quân dân kết hợp, thu phát sóng truyền hình, điểm bưu điệm văn hóa xã phục vụ tốt các yêu cầu của nhân dân. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn hai xã cơ bản ổn định. Đồng bào hai xã yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng và chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, có nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động chung ở địa phương. Tiêu biểu là gia đình bà Mùa Y Tếnh ở xóm Trà Đáy, xã Pà Cò đã tự nguyện hiến hơn 400m2 đất để xây dựng trạm tiếp sóng truyền hình. Như vậy Đề án 03 từng bước đi vào cuộc sống và mục tiêu chính của nó đã và đang trở thành hiện thực ở Hang Kia, Pà Cò.
 
  Để chuẩn bị đón mừng năm mới 2011 – Xuân Tân Mão, trước đó các anh bộ đội của tỉnh Hòa Bình đã về cùng đoàn viên thanh niên trong hai xã làm vệ sinh môi trường, san lấp hàng trăm m2 ổ gà, đào gần 1500m rãnh thoát nước và đổ bê tông 2km đường liên xã, tạo điều kiện thuận tiện cho bà con đi lại và giao lưu hàng hóa, làm cho bộ mặt của bản làng thêm khởi sắc. Và một mùa Xuân mới lại về với đồng bào người Mông ở hai xã Hang Kia, Pà Cò.  
 
Bên bếp lửa hồng cùng nâng chén rượu ngô thơm nồng trong hương xuân của núi rừng Tây bắc, Chủ tịch UBND xã Hang Kia Khà A bảo: - Bản người Mông ở Hang Kia, Pà Cò đều có trường học, trạm xá, truyền hình rồi, chỉ mong trong năm tới tỉnh, huyện cho xây xong ba bể nước, mở cái đường từ xã ra đường sáu để bà con đi lại thuận lợi hơn. Bộ đội Hùng và cán bộ nói giúp người Mông mình nhé./.