Theo đó, ngày 12/4/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 2286/BNN-TL về việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Từ năm 2018 đến hết năm 2022, toàn quốc đã phát hiện 56.978 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó năm 2022 phát sinh 5.388 vụ. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở, công trình, quản lý an toàn đập, hồ chứa, gây cản trở dòng chảy, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi. Kết quả xử lý vi phạm đã có chuyển biến nhưng tỷ lệ các vụ vi phạm đã được xử lý chưa cao: số vụ vi phạm đã được xử lý năm 2022 là 2.714vụ (đạt 50,4%). Nguyên nhân chủ yếu của tồn tại nêu trên là do thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, nhiều công trình thủy lợi chưa được cắm mốc chỉ giới bảo vệ, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi chưa được quan tâm đúng mức.
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo như sau:
Giao các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao nghiên cứu thực hiện nội dung Công văn trên; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan tham mưu, xử lý dứt điểm các trường hợp sử dụng đất, xả nước thải trái quy định trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ban, ngành tỉnh liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình thực hiện các yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn trên; đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo để các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình, các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.