Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn, Bùi Văn Nỏm cho biết: Trong thời gian qua Lạc Sơn đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp vào cuộc sống. Từ đó đã tạo sự chuyển biến về vai trò của các tổ chức Đảng trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế xã hội, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, từng bước xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới. Trên tinh thần đó, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về tự lực trong phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, những năm gần đây, Lạc Sơn đã đảm bảo an ninh lương thực với mức bình quân đạt gần 500kg/người/năm, bộ mặt nông thôn đã thay đổi đáng kể, người dân đã từng bước tiếp cận với thị trường, sản xuất theo hướng hàng hoá. Điều này đã góp phần xoá đói giảm nghèo, cũng như tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Từ những chủ trương đúng đắn, phát triển kinh tế hộ gia đinh gắn với sản xuất theo hướng hàng hóa mà nhiều mô hình làm kinh tế giỏi xuất hiên. Điển hình như mô hình trồng hành tẻ của gia đình anh Bùi Văn Hoàn ở xóm Bai Vớn xã Định Cư. Đây là loại cây trồng truyền thống, nhưng trước đây người dân trồng chủ yếu để sử dụng, nay đã trở thành hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Hoành cho biết: Gia đình tôi trồng 3.500m2, sau khi trừ chi phí, cho thu nhập 20 triệu đồng/vụ. Nguồn thu từ cây hành tẻ so với các loại cây trồng khác cao hơn gấp từ 2 - 3 lần. Cũng từ mô hình hiệu quả này, mà hiện nay 2/3 số hộ dân xóm Bai Vớn đã học hỏi và trồng hành tẻ. Ngoài ra, mô hình dệt thổ cẩm tại xã Yên Nghiệp cũng đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho chị em trong xã và một số chị em các xã lân cận, cho thu nhập trung bình từ 1,8 đến 2,2 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, có nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả cao như mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, máy xay sát tại xã Thượng Cốc; mô hình nuôi nhím, gà lôi, lợn rừng, ba ba tại xã Mỹ Thành...
Tại các xã đặc biệt khó khăn, chính quyền huyện Lạc Sơn cũng đã tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất như trồng thí điểm mô hình giống khoai lang tím tại xã Ngọc Sơn, thử nghiệm giống lúa mới, ngô mới, mô hình trồng sắn bền vững trên đất dốc tại xã Hương Nhượng... Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lạc Sơn, Nguyễn Trọng Xuân cho biết: Nhờ áp dụng các khoa học kỹ thuật tiết bộ vào trong sản xuất mà năm 2011 huyện đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,27%, thu nhập bình quân đầu người đạt mức gần 11 triệu đồng/ năm. Cơ cấu kinh tế từng bước có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị sản xuất các ngành mũi nhọn như chăn nuôi, trồng rừng, phát triển mở rộng diện tích các loại cây trồng mang tính chất hàng hóa. Các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội được triển khai như chương trình Đề án 167 của Chính phủ, Chương trình 134, chương trình 135, trợ giá, trợ cước, hỗ trợ đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được triển khai hiệu quả. Từ đó đã làm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của huyện từ 51,5% năm 2010 xuống còn 47% năm 2011 với tổng số hộ nghèo trong toàn huyện là 14.082 hộ. Đời sống từng bước được nâng lên, các mặt văn hóa xã hội, ANTT được củng cố. Tính đến nay, toàn huyện đã có 80,89% số hộ gia đình, 75,77% xóm, phố, Khu dân cư, 91,9% cơ quan, đơn vị trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Để công tác xoá đói giảm nghèo được bền vững, huyện đã và đang tập trung triển khai một số mô hình đem lại hiệu quả cao như mô hình cải tạo đàn bò vàng, hỗ trợ chăn nuôi, hỗ trợ đầu tư máy móc nông nghiệp làm giảm cường độ lao động, tăng hiệu suất trong sản xuất. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn cũng đã hỗ trợ vào đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông, thuỷ lợi phục vụ sản xuất ở các địa phương vùng khó khăn, nhất là nâng cao năng lực điều hành của cán bộ cấp xã.