DetailController

Văn hóa

Xây dựng và phát triển nền văn hoá động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

29/07/2015 00:00
Thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương 5 (Khoá VIII) trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Văn hóa trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, từng bước gắn bó chặt chẽ hơn với các nhiệm vụ kinh tế, xã hội
Tỉnh uỷ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, văn nghệ sĩ, nhà báo nhân dịp Xuân Ất Mùi năm 2015

 Các giá trị văn hóa ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò tích cực và khả năng tác động mạnh vào các lĩnh vực của đời sống. Những nét mới trong chuẩn mực văn hóa và trong nhân cách con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng bước được hình thành.  Hoạt động thông tin, báo chí ngày càng mở rộng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về xây dựng đạo đức, lối sống nhân văn ngày càng nâng lên; việc giữ gìn và lưu truyền những giá trị văn hoá truyền thống, thuần phong mĩ tục ngày càng phát triển; góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, trong những năm qua, tỉnh Hoà Bình đã đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại, tăng cường quảng bá hình ảnh, giới thiệu, cung cấp thông tin về các di tích, địa chỉ danh thắng của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút khách du lịch quốc tế đến thăm quan du lịch và nghiên cứu. Hàng năm, tỉnh đón nhiều đoàn khách quốc tế: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước EU,... đến tham quan, nghiên cứu lịch sử, văn hoá, tìm cơ hội đầu tư.

Quần chúng nhân dân nhận thức về văn hoá đầy đủ, sâu sắc hơn, từ đó tích cực tham gia giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống, sống với nhau có trách nhiệm hơn, tình nghĩa hơn, đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên phát triển kinh tế, tạo tình cảm gắn bó trong gia đình và cộng đồng.  Số gia đình, làng bản, cơ quan, đơn vị trường học đạt tiêu chuẩn văn hoá ngày càng tăng lên rõ rệt; xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong từng nội dung cuộc vận động. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện theo nghi thức mới, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Các cấp uỷ Đảng lãnh đạo chính quyền cùng MTTQ và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức, biện pháp để vừa giữ gìn được cốt lõi văn hoá truyền thống.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được quan tâm phát triển. Toàn tỉnh có 64 di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn tỉnh đã có quyết định công nhận,  trong đó: 40 di tích cấp quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh. Bảo vệ và từng bước phát huy tốt giá trị các di tích, danh thắng trong địa bàn; kết hợp tốt công tác bảo vệ và khai thác giá trị văn hoá - du lịch và tín ngưỡng, điển hình như các địa điểm: Bia Lê Lợi, Tượng đài Bác Hồ, Bia di tích quan hệ hữu nghị Việt - Lào (TP. Hoà Bình); Động Tiên, Nhà máy in tiền (huyện Lạc Thuỷ), Hang Luồn (huyện Yên Thuỷ); Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan (huyện Cao Phong), Đền thờ Chúa Thác Bờ (huyện Cao Phong và huyện Đà Bắc)... Toàn tỉnh có 1715/ 2016 xóm bản có đội văn nghệ,  233 tổ, đội thông tin tuyên truyền ở 210 xã, phường, thị trấn, với trên 13.000 diễn viên quần chúng. Hàng năm tổ chức hàng nghìn buổi  biểu diễn và tuyên truyền  thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương cho hơn 4 triệu lượt người xem.

Nhiều cuốn sách phục vụ công tác tuyên truyền được xuất bản: “Địa chí Hoà Bình”; “Giới thiệu tổng quan về tỉnh Hoà Bình”; “Hoà Bình thế và lực mới trong thế kỷ XXI” bằng hai thứ tiếng (tiếng Anh và tiếng Việt); Giới thiệu du lịch - văn hoá Hoà Bình, Kiểm kê phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc trong tỉnh; vv.. Nhiều đề tài nghiên cứu phục vụ công tác bảo tồn được triển khai như: Nghệ thuật múa Mường, Mo trong đám tang của người Mường Bi; Bộ sưu tập Phong tục tập quán dân tộc Mường. “Ẳm Ệt luông” (Sử thi thần thoại của người Thái Mai Châu), Lễ cưới cổ truyền của người Thái  huyện Mai Châu, Lễ hội Chá Chiêng, lễ hội Xên Mường của dân tộc Thái;  Lễ cấp sắc, Tết nhảy của người Dao quần chẹt Hoà Bình, Lễ hội Gầu Tào, Đám cưới dân tộc Dao; Sưu tầm nghề thủ công rèn đúc của người Mông ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu vv...

Đến nay 210 xã, phường, thị trấn và 100% khu dân cư đã xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước; 100% các cơ quan, ban ngành các cấp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa đã phát huy được tinh thần tương thân tương ái, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân. Chính sách đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo an sinh xã hội của Nhà nước được các cấp uỷ Đảng, chính quyền ở địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt. Có thể nhận thấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đang là động lực để các địa phương trong tỉnh đẩy nhanh tiến trình  xây dựng Nông thôn mới. 

Từ việc triển khai thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã làm cho văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với không ngừng nâng cao văn hoá. Các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng và phát triển văn hoá được thực hiện có hiệu quả góp phần xây dựng và đào tạo con người đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, thúc đẩy giao lưu hội nhập quốc tế và bảo vệ các giá trị văn hoá truyền thống.